Theo báo Guardian, bọn tội phạm buôn người, với nhiều kẻ trong số đó có liên hệ với Hội Tam hoàng khét tiếng, đang nhắm đến giới trẻ ở châu Á thông qua mạng xã hội, dụ dỗ họ bằng những lời hứa hẹn hấp dẫn về công việc được trả lương cao và có bố trí nơi ăn, chốn ở tại các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Lào.
Khi đến nơi, hộ chiếu của các nạn nhân bị bọn tội phạm thu giữ. Họ cũng thường bị bán cho các nhóm khác nhau hoặc buộc phải làm việc trong các văn phòng của bọn tội phạm điều hành những vụ lừa đảo qua điện thoại hoặc trực tuyến.
Các nhóm nạn nhân lớn nhất dường như đến từ Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc). Nhà chức trách Đài Loan thống kê, gần 5.000 cư dân của hòn đảo được ghi nhận đã đến Campuchia và không trở về. Cảnh sát địa phương cho biết đã xác định được ít nhất 370 người trong số này bị giam giữ trái mong muốn, nhưng các nạn nhân khẳng định con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Ít nhất 46 người đã trở về Đài Loan trong những tháng gần đây. Một số trình báo việc họ hoặc những người khác bị ép ký hợp đồng và bị hành hung, cưỡng hiếp, không được cung cấp thức ăn và nước uống cũng như thường xuyên bị đe dọa. Các báo cáo khác nhau cho hay, những đường dây tội phạm này bao gồm cả những cá nhân ở Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Thái Lan và Campuchia.
Tin tức về các đường dây buôn người được công bố rộng rãi ở châu Á trong những tuần gần đây. Tuần trước, một video ghi lại cảnh hàng chục người Việt đã chạy trốn khỏi một sòng bạc ngay phía bên kia biên giới, ở Campuchia. Đám đông bị các bảo vệ sòng bạc cầm gậy đuổi theo khi họ bỏ chạy khỏi một tòa nhà và nhảy xuống sông để bơi qua biên giới về Việt Nam. Một người bị bắt trở lại và một thanh niên 16 tuổi được tin đã chết đuối trong lúc chạy trốn.
Mánh khóe của bọn buôn người qua lời kể nạn nhân
Yu Tang, một phụ nữ trẻ ở Đài Loan kể, một phụ nữ đồng hương đã liên lạc với cô qua Facebook vào tháng 4 sau khi tìm thấy thông tin về cô trong một nhóm dành cho những người đang tìm kiếm việc làm. Yu Tang được mời làm việc ở nước ngoài, trong các trung tâm hỗ trợ hoặc tổng đài dành cho lĩnh vực sòng bạc và trò chơi trực tuyến. Khi cô bày tỏ sự hoài nghi, họ đề nghị trả tiền cho một chuyến bay hồi hương và đồng ý gặp trực tiếp cô.
“Tôi không tin họ, nhưng sau đó họ sắp xếp cho chúng tôi gặp nhau ở nơi công cộng”, Yu Tang kể. Người đàn ông đến gặp cô trông có vẻ “bình thường” và Yu Tang đã đồng ý nhận công việc. Cô đã được đón tại sân bay và gặp một số người khác cũng đang tìm việc.
Yu Tang và những người tìm việc khác lại được dàn xếp lên chuyến bay đến Phnom Penh, Campuchia và được những kẻ “tự nhận là đại lý du lịch nhưng trông như dân xã hội đen” đến đón. Những kẻ này thu giữ hộ chiếu của cả nhóm, giải thích rằng đó là để làm thẻ sim điện thoại, nhưng bọn chúng rốt cuộc không trả lại hộ chiếu.
“Tôi biết nếu tôi muốn gọi giúp đỡ, tôi cần có thẻ sim. Trong khoảnh khắc đó, chúng tôi hình dung rằng mình đã bị bán”, Yu Tang nhớ lại.
Người phụ nữ Đài Loan cho hay, mọi thông tin lưu về các cuộc trò chuyện với những kẻ buôn người đã bị xóa sạch khỏi điện thoại của các nạn nhân. Họ được đưa đến Sihanoukville và được thông báo sẽ làm việc cho một âm mưu lừa đảo qua điện thoại. Họ cũng được thông báo sẽ phải tuyển dụng những người khác để trả 17.000 USD nếu muốn được trả tự do.
Theo Yu Tang, khi một người đàn ông phản đối, anh bị đánh bất tỉnh và bị bọn tội phạm dùng súng gây choáng tấn công. Cô nói, người đàn ông đó vẫn còn nằm trong danh sách những người mất tích của Đài Loan.
Nỗ lực giải cứu
Yu Tang kể, cô đã có thể lấy được thẻ sim và ngay lập tức bắt đầu nghiên cứu hoạt động buôn người, tìm thông tin chi tiết về văn phòng của một chính trị gia địa phương, người cô liên hệ qua Facebook.
Ngày hôm sau, cảnh sát và binh sĩ quân đội đã đến hiện trường để đón cô. Yu Tang cho biết thêm, gã chủ đã đề nghị trả tiền cho lực lượng chức năng để “giả vờ như không có chuyện gì xảy ra”, nhưng họ từ chối. Cô sau đó được phép trở về Đài Loan.
Yu Tang tin số người Đài Loan vẫn bị mắc kẹt ở Campuchia nhiều hơn so với xác nhận của chính quyền. Cô lưu ý, bản thân từng nhìn thấy ít nhất 50 người khác bị giam giữ trong cùng văn phòng nơi cô phải làm việc và khu vực đó có đầy những tòa nhà tương tự. Nhiều người bị ép ký hợp đồng và bọn tội phạm có thể dùng chúng để qua mặt bất kỳ cơ quan chức năng nào đặt câu hỏi về tình trạng của một cá nhân. Mọi người càng bị giam giữ lâu, càng sợ lên tiếng vì những gì mình đã nghe hoặc thấy.
Hiện tại, khi đã trở về Đài Loan, Yu Tang thường xuyên được gia đình các nạn nhân liên lạc, tìm kiếm sự hỗ trợ của cô để giúp con em họ trốn thoát. Cảnh sát cũng muốn cô cung cấp những gì đã biết. Yu Tang tiết lộ, cho đến nay cô đã giúp 8 người Đài Loan trở về an toàn.
Cảnh sát Đài Loan cho biết đã bắt giữ ít nhất 67 người liên quan đến đường dây buôn người, gồm cả 16 người hôm 22/8 với cáo buộc có liên hệ đến các băng nhóm tội phạm địa phương. Cảnh sát trên hòn đảo đang tuần tra sân bay quốc tế, thẩm vấn và cảnh báo du khách trên đường đến Campuchia. Cuối tuần trước, Đại sứ quan Trung Quốc ở Campuchia ra tuyên bố khẳng định sẽ trợ giúp các nỗ lực giải cứu công dân của Đài Loan.
Ở Hong Kong (Trung Quốc), cảnh sát tuần trước cũng bắt giữ 5 kẻ dính líu đến hoạt động buôn người. Chính quyền đặc khu thiết lập một đội đặc nhiệm để giúp đỡ hơn 30 nạn nhân đã được xác định danh tính.
Trung Quốc nói họ đang làm việc với các nhà chức trách Campuchia để giải cứu các nạn nhân. 60 trẻ vị thành niên gần đây đã được giải cứu, trong đó một số em từng bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục.
Tướng Chhay Sinarith, Phó Cảnh sát trưởng quốc gia Campuchia thông tin, lực lượng chức năng nước này đã phát hiện nhiều âm mưu lừa đảo trực tuyến nhắm vào các lao động nước ngoài và đã bắt giữ hàng trăm người từ đại lục và Đài Loan. Theo Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng, cơ quan của ông sẽ mở một cuộc thanh kiểm tra tình trạng người nước ngoài làm việc hoặc lưu trú trong các khách sạn, sòng bạc và bất động sản thuê trên toàn quốc.
Nguồn: vietnamnet