Tại tòa, cựu chủ tịch Trung tâm hỗ trợ người nghèo Trần Đức Trung phủ nhận cáo buộc là chủ mưu cùng 5 đồng phạm lợi dụng chương trình Trái tim Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tiền của hơn 1.000 người dân.
Chiều 3-8, phiên tòa xét xử bị cáo Trần Đức Trung (61 tuổi, cựu chủ tịch hội đồng thành viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới) cùng 4 đồng phạm là nhân viên dưới quyền gồm Bùi Thị Oanh, Phạm Văn Lực, Nhâm Sỹ Phúc và Phan Thị Thoa về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tiếp tục phần xét hỏi.
Trả lời xét hỏi, các bị cáo Bùi Thị Oanh, Phạm Văn Lực, Nhâm Sỹ Phúc và Phan Thị Thoa thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và cho biết họ thực hiện thu tiền của người đóng góp vào trung tâm theo chỉ đạo của Trần Đức Trung vì tin tưởng “tính nhân đạo” của chương trình Trái tim Việt Nam.
Các bị cáo này mong được các bị hại tha thứ và được tòa giảm nhẹ hình phạt.
Trong khi đó, bị cáo Trần Đức Trung phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng truy tố và cho rằng lời khai của các đồng phạm Nhâm Sỹ Phúc, Phạm Văn Lực và Bùi Thị Oanh là gian dối.
Theo ông Trung, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới được thành lập vào năm 2013, nhưng có hai năm liền hoạt động không hiệu quả.
Đến năm 2015, bà Lê Thị Hằng (đã chết) giới thiệu Phạm Văn Lực và Nhâm Sỹ Phúc vào làm việc tại trung tâm. Thời điểm này, Lực và Phúc đang điều hành Câu lạc bộ “Triệu phú tích lũy làm giàu”.
Tuy nhiên, ông Trung nhận thấy câu lạc bộ này không giúp đỡ được nhiều cho người nghèo nên từ 1-6-2015, dựa trên những lá thư của “lãnh đạo nhà nước”, ông Trung ký quyết định ủy quyền cho nhóm điều hành Câu lạc bộ “Triệu phú tích lũy làm giàu” triển khai chương trình “Trái tim Việt Nam”.
“Khi triển khai chương trình, tôi có nói với Phạm Văn Lực dựa trên tinh thần thư chỉ đạo là tất cả những người tham gia Trái tim Việt Nam phải đóng góp tiền tự nguyện”, ông Trung khai.
Chủ tọa liền truy vấn: “Trung tâm hỗ trợ người nghèo của bị cáo có vai trò gì? Nguồn vốn đóng góp từ đâu? Đã hỗ trợ gì cho người nghèo?”.
Bị cáo Trung cho hay trung tâm có vai trò hỗ trợ người nghèo nông thôn Việt Nam phát triển kinh tế. Nguồn vốn đóng góp chủ yếu từ các nhà tài trợ và đơn vị tài trợ riêng, trung tâm đã hỗ trợ cho Hội chữ thập đỏ, ủng hộ người nghèo trên 200.000 hộp sữa và phân vi sinh, thực phẩm chức năng.
Ông Trung vừa dứt lời, một số bị hại ngồi phía dưới nói vọng lên “việc ủng hộ đấy là dùng tiền của chúng tôi”.
Về hình thức hoạt động của chương trình “Trái tim Việt Nam”, bị cáo Trung giải thích, trung tâm phát động chương trình này nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm, tổ chức thông qua trung tâm có thể tự nguyện ủng hộ người nghèo trực tiếp hoặc gián tiếp.
Ngoài ra, nhóm ông Trung đưa ra chính sách nếu ai giới thiệu được người sau tham gia nộp 1,2 triệu đồng vào trung tâm sẽ được nhận hoa hồng 500.000 đồng. Đồng thời, được phát một thẻ giảm giá mua sản phẩm, tuy nhiên được mua những sản phẩm cụ thể nào bị cáo không nói.
Theo ông Trung, người tham gia đóng góp tiền, nếu gặp khó khăn sẽ được các thành viên khác giúp đỡ.
Chủ tọa tiếp tục truy vấn: “Bị cáo phụ trách trung tâm, chịu mọi trách nhiệm hoạt động, bây giờ gây thiệt hại hàng trăm tỉ của người ta như thế ai chịu trách nhiệm?”.
Bị cáo Trung đáp: “Ai làm sai thì chịu trách nhiệm, các bị cáo ở đây đã khai nhận thì họ phải chịu”.
“Thế bị cáo có sai không?” – chủ tọa hỏi. Ông Trung khẳng định: “Tôi làm đúng, không sai”. Nghe vậy, một vài bị hại tiếp tục nói vọng lên “đồ cãi cùn”.
Theo cáo trạng, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới thành lập năm 2013, do Trần Đức Trung làm chủ tịch hội đồng thành viên, Lê Thị Hằng làm tổng giám đốc, chưa được cấp phép hoạt động và không có hoạt động phát sinh doanh thu.
Tuy nhiên, từ tháng 4-2015, các bị cáo lấy danh nghĩa trung tâm để tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”, đưa ra chính sách bất khả thi, hứa hẹn hỗ trợ với lãi suất cao để lôi kéo người dân nộp tiền.
Các bị cáo đưa thông tin sai sự thật về nguồn vốn của trung tâm, tuyên truyền, hứa hẹn với người tham gia trong khoảng thời gian nhất định sẽ nhận được tiền theo chính sách.
Tuy nhiên, nguồn tiền để chi trả hầu hết là lấy của người tham gia sau trả cho người tham gia trước. Các bị cáo đã lập 26 điểm tư vấn, 6 nhóm để thu tiền của hơn 1.000 bị hại tại 16 tỉnh, thành, sau đó chuyển tiền về trung tâm và văn phòng 102 Trường Chinh, Hà Nội, tổng cộng khoảng 148 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định 5 bị cáo chiếm đoạt, sử dụng cá nhân hơn 49 tỉ đồng. Riêng bị cáo Trung chiếm 26,3 tỉ đồng.
Nguồn: tuoitre.vn