Trước kia chỉ cần nghe đến trái cây Trung Quốc, người tiêu dùng Việt sẽ e ngại lắc đầu không mua. Bây giờ, không những phải trả một mức giá giá vô cùng đắt đỏ, người dân còn phải “xếp hàng” chờ mua.

Trái cây Trung Quốc đắt hơn cả hàng Mỹ

Các loại táo, đào, nho, lựu, dưa, mận, lê,… là những mặt hàng trái cây Trung Quốc vô cùng quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Mùa nào thức ấy, hàng Trung Quốc đổ bộ sang chợ Việt. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp trái cây lớn nhất vào thị trường Việt nhiều năm qua.

Tại chợ truyền thống, trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc luôn được chất đống, bày bán la liệt với mức giá rẻ, dao động từ 10.000-20.000 đồng/kg, thậm chí có loại khi rộ mua giá chỉ vài nghìn đồng/kg.

Do có giá rẻ, cộng với một số thông tin liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép nên nhiều người tiêu dùng Việt tỏ ra e ngại, không muốn mua về ăn. Đây cũng là lý do, cách đây 4-5 năm trở về trước, các loại trái cây Trung Quốc thường được tiểu thương gắn mắc là “đặc sản Việt Nam”, hoặc hàng “nhập khẩu Mỹ”…

Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường Việt bắt đầu xuất hiện những loại trái cây Trung Quốc được quảng cáo “hàng nội địa”, chất lượng đảm bảo. Kèm theo đó, mức giá bán cũng tương đối cao. Người tiêu dùng hiếu kỳ mua về ăn để trải nghiệm. Những loại trái cây này bất ngờ đắt hàng.

Trái cây Trung Quốc được rao bán với giá khá đắt đỏ.

Từ cuối năm ngoái đến nay, không chỉ hàng nội địa, trái cây Vip Trung Quốc còn tấn công thị trường Việt. Cũng bởi là hàng Vip nên chúng có giá cao ngất ngưởng.

Ghi nhận của PV. VietNamNet thời điểm hiện tại, một thùng đào tiên Bắc Kinh loại Vip 9 quả, trọng lượng 2,7-3kg có giá bán lên tới 480.000 đồng, còn nếu khách mua lẻ giá 185.000 đồng/kg.

Đào dẹt Trung Quốc giá còn đắt đỏ hơn. Người tiêu dùng Việt muốn thưởng thức loại đào này phải chi tới 520.000 đồng để mua một thùng 8 quả, tức gần 300.000 đồng/kg.

Tương tự, hồng táo Trung Quốc dịp này được rao bán tràn ngập “chợ mạng”, song đều là hàng Vip hoặc cao cấp. Đơn cử, tại một hệ thống cửa hàng trái cây nhập khẩu cao cấp ở Hà Nội, hồng táo tròn giá 550.000 đồng/kg, hồng táo dẹt 460.000 đồng/kg. Hàng chỉ bán nguyên thùng, không bán lẻ theo cân. Tức, nếu mua ăn hoặc làm quà biếu tặng, người tiêu dùng phải chi khoảng 690.000-825.000 đồng/thùng tuỳ loại.

Ngoài hàng Vip, trên thị trường giá trái cây Trung Quốc cũng tương đối đắt đỏ. Ví như đào mỏ quạ giá dao động từ 60.000-120.000 đồng/kg, hồng táo loại thường 150.000-250.000 đồng/kg, dưa lưới vàng giá 40.000-70.000 đồng/kg, nho Trung Quốc giá từ 60.000-80.000 đồng/kg, lựu 60.000-70.000 đồng/kg…

Với mức giá trên, các đầu mối buôn bán trái cây thừa nhận, hàng Trung Quốc giá còn đắt đỏ hơn mặt bằng trái cây Mỹ, Úc, New Zealand,… có bán trên thị trường hiện nay.

Dân “xếp hàng” chờ mua

Chị Lê Thị Chung ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thừa nhận, loại đào dẹt Trung Quốc giá không chỉ đắt đỏ mà chị còn phải “xếp hàng” chờ mua tới 4 ngày.

Trước kia, chị ra chợ thấy trái cây Trung Quốc thì rất e ngại, thường không mua vì sợ chất lượng không đảm bảo dù giá thời điểm đó siêu rẻ. Nhưng 2 năm trở lại đây, chị chọn mua ăn nhiều hơn, thậm chí mua làm quà biếu.

Không phải bởi riêng chất lượng mà mẫu mã của các loại trái cây Trung Quốc cũng khác hẳn trước kia. Như đào dẹt chị vừa mua, một hộp có 8 quả đều được bao bọc trong lưới xốp cẩn thận, có tem nhãn. Cả 8 quả mẫu mã đều y hệt nhau. Ăn khi chín tới cứng quả, thơm ngọt, còn khi chín hẳn thì mềm tay, ngọt đậm và thơm nức.

Chị Đinh Thị Kiều Liên – đầu mối bán trái cây ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) – cho biết, hơn một năm trở lại đây, giá trái cây Trung Quốc thiết lập mặt bằng mới. Ngoài những mặt hàng đóng thùng, rành được nhập về bày bán tại chợ hay online với giá 30.000-100.000 đồng/kg, trên thị trường còn xuất hiện hàng Vip giá vô cùng đắt đỏ nhưng tương đối đắt khách.

“Như hồng táo tôi chỉ nhập hàng cao cấp. Đến nay hàng mới vào chính vụ thu hoạch nhưng lượng hàng bán ra đã lên tới trên dưới 5.000 thùng”, chị nói. Còn đào dẹt vàng của Trung Quốc, giá tới 500.000 đồng/thùng 8 quả, chị mới nhập về được 3 chuyến, mỗi chuyến cũng lên tới gần 300 thùng.

Trái cây Việt cũng cần nâng chuẩn về chất lượng, bao bì đóng gói để phục vụ khách hàng ở phân khúc cao cấp 

Vì là hàng cao cấp, đều liên hệ thẳng với phía các nhà vườn bên kia nên khách muốn ăn đều phải đặt trước vài ngày. Hàng sẽ về theo chuyến, có thể tuần về 2 chuyến, nhưng khi rộ thì về tuần 3 chuyến, chị cho hay.

Các đầu mối bán trái cây Trung Quốc cao cấp cũng thừa nhận, đào, hồng táo,… đang vào vụ, khách Việt khá chuộng ăn. Lượng hàng bán ra mỗi ngày lên đến đầu tạ, thậm chí gần tấn hàng.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết, Trung Quốc là nước nhập khẩu và xuất khẩu rau quả lớn nhất thế giới. Lượng trái cây Việt Nam nhập từ Trung Quốc càng ngày càng tăng.

Nửa đầu năm nay, nước ta chi tới gần 900 triệu USD nhập khẩu rau quả, trong đó giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 315 triệu USD, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2021. Rau quả Trung Quốc cũng chiếm 35,62% thị phần rau quả nhập khẩu về Việt Nam.

Song, trước kia hàng Trung Quốc về nước ta là hàng đại trà, thường được bán nhiều ở ngoài chợ với giá rất rẻ. Những năm gần đây, họ bắt đầu nâng chuẩn chất lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu ăn ngon, an toàn của người dân trong nước cũng như xuất khẩu.

“Họ trồng được rất nhiều loại trái cây, mẫu mã đẹp, chất lượng chẳng kém gì hàng Mỹ nên dần lấy được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước”, ông nói.

Theo ông Nguyên, ở bất cứ thị trường nào đều được chia thành những phân khúc khác nhau, từ bình dân đến cao cấp. Những người có điều kiện về kinh tế luôn muốn trải nghiệm những loại trái cây mới lạ, ngon, chất lượng đảm bảo và mẫu mã đẹp. Bởi họ không chỉ ăn mà còn mua làm quà biếu tặng. Điều này có thể thấy được qua sự thay đổi của trái cây Trung Quốc có bán tại thị trường Việt Nam, từ món hàng giá rẻ nay thành hàng phục vụ phân khúc cao.

Ông nhận định, phân khúc thị trường cao cấp còn nhiều tiềm năng. Song, ở nước ta chỉ có một vài doanh nghiệp liên kết sản xuất nhắm vào mảng này, còn để trái cây nhập khẩu chiếm thị phần.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : trái cây trung quốc

Các tin liên quan đến bài viết