Từ đầu năm đến nay, thế giới ghi nhận hơn 16 nghìn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Bác sĩ Đỗ Hồng Hiên Chuyên gia dịch tễ, Tổ chức WHO tại Việt Nam, cho biết phần lớn các ca bệnh tự hồi phục trong vòng vài tuần mặc dù biến chứng, hậu quả có thể xuất hiện ở vài bệnh nhân nếu không được quản lý tốt nốt phát ban trên da.
Thời gian ủ bệnh 6-13 ngày sau khi phơi nhiễm nhưng có thể kéo dài từ 3-21 ngày. Giai đoạn đầu tiên, từ 1 đến 3 ngày, người bệnh có thể có triệu chứng sốt, đau đầu, đau lưng, đau cơ và mệt mỏi và có sưng nổi hạch.
Giai đoạn 2 (sau 1-3 ngày đầu tiên), người bệnh có biểu hiện của phát ban trên da. Phát ban đi theo trình tự khá phổ biến, đầu tiên là những phát ban lớn sau đó lan rộng, xuất hiện bọng nước, có thể có mủ. Sau đó, nốt phát ban này vỡ ra thành sẹo nên việc chăm sóc vết thương phát ban này rất quan trọng. “Với đậu mùa khỉ diễn biến lâm sàng không không điển hình, không đặc trưng, gây nhiều khó khăn cho chẩn đoán, đặc biệt là ở những nơi chưa được báo cáo có ca mắc”, BS Hồng Hiên khẳng định.
Về triệu chứng, 88% bệnh nhân có biểu hiện phát ban, 44% sốt, 33% phát ban ở sinh dục; 27% có sưng nổi hạch ngoại biên. Các triệu cứng không điển hình khác là ho, đau họng, nôn, đỏ mắt… Đại diện WHO tại Việt Nam cũng thông tin, bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần tuy nhiên cũng có biến chứng. Biến chứng đậu mùa khỉ phần lớn từ các nốt phát ban, nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến hệ thống khác như phổi, gây ra viêm nhiễm, mất nước, thậm chí nhiễm trùng máu, viêm não.
Vì vậy Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý ca bệnh để khi có ca bệnh để hạn chế tối đa lây lan cũng như tử vong.
Về quản lý ca bệnh và điều trị, BS Đỗ Hồng Hiên khuyến cáo chúng ta phải sàng lọc phân luồng, tránh lây nhiễm chéo. Bệnh nhân được chẩn đoán với các biểu hiện phát ban, sốt, sưng hạch… phải đánh giá nguy cơ có thể diễn biến thành ca nặng hay không.
Với những ca bệnh biểu hiện nhẹ, không có nguy cơ biến chứng, có thể để bệnh nhân cách ly tại nhà, thực hành nghiêm túc các nguyên tắc về lây nhiễm chéo. “Điều trị đậu mùa khỉ chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng. Nếu có biển hiện diễn biến nặng hay có biến chứng, bệnh nhân phải ngay lập tức vào cơ sở khám chữa bệnh”, nữ bác sĩ cho biết.
Với đậu mùa khỉ tránh điều trị kháng sinh, trừ trường hợp có các nốt phát ban nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm. “Các bệnh nhân phần lớn nhẹ, tự khỏi trong vài tuần. Chúng ta đánh giá nguy cơ chuyển nặng, lây lan như thế nào có chăm sóc, động viên về tinh thần để tránh bệnh nhân trầm cảm, mất ngủ… Những điều này để tránh nguy cơ bệnh nặng”, BS Hồng Hiên nhấn mạnh lại một lần nữa.
Cũng theo BS Hiên, hiện chưa có thuốc kháng virus nào đặc hiệu với đậu mùa khỉ, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng, theo dõi, xử lý các nốt phát ban để tránh biến chứng. Các thuốc kháng virus hiện tại vẫn đang dừng lại ở lâm sàng trên động vật.
Nhóm bệnh nhân nguy cơ cao, có thể dẫn đến biến chứng theo WHO thông tin là trẻ em, phụ nữ có thai và người có suy giảm miễn dịch. Họ cần được theo dõi tại cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo cách ly, chăm sóc toàn diện.
Khuyến nghị về dự phòng, bác sĩ của WHO tại Việt Nam thông tin, phải đảm bảo nguyên tắc theo dõi, truy vết người tiếp xúc gần với ca bệnh.
“Vệ sinh, khử khuẩn tất cả khu vực những nơi bệnh nhân qua lại. Thu thập bệnh phẩm các vật dụng bệnh nhân dùng như ga trải giường, quần áo… cũng như quản lý rác thải của bệnh nhân. Người bệnh phải được đảm bảo về tinh thần, chăm sóc nốt phát ban, tránh bội nhiễm dẫn tới biến chứng”, bác sĩ cho biết.
Cũng theo BS Hiên, giai đoạn cách ly phải từ khi bệnh nhân từ phơi nhiễm đến lúc vết phát ban bong vẩy, tạo sẹo bắt đầu có da non.
Về nguy cơ lây lan bệnh đậu mùa khỉ, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhận định, bệnh khó lây, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp và giọt bắn lớn và không lây qua không khí. “Trước đây, bệnh lây từ động vật sang người và giờ từ người sang người. Chúng ta cần truyền thông để người dân không hoang mang”, PGS.TS Hương nói.
Tối 24/7, Bộ Y tế phát đi thông tin bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. 2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh. 3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. 4. Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. 5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết và sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. 6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Không nên ăn, tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật bị nhiễm bệnh. |
Nguồn: vietnamnet