Cựu giám đốc trung tâm dạy nghề ở Bình Phước chỉ đạo lập khống hồ sơ tổ chức dạy nghề cho 60 lớp học, gây thất thoát ngân sách hơn 2,7 tỉ đồng.

Chỉ đạo lập khống hồ sơ 60 lớp học, cựu giám đốc trung tâm dạy nghề lãnh 10 năm tù - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm 

Sau nhiều ngày xét xử, ngày 24-7, TAND huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã tuyên bị cáo Nguyễn Thành Khang – 57 tuổi, cựu giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Đồng Phú (viết tắt Trung tâm giáo dục nghề nghiệp) – 10 năm tù giam về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cùng tội danh trên, tòa tuyên bị cáo Đỗ Thị Hồng Thu – 38 tuổi, cựu cán bộ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – 4 năm tù và Nguyễn Thị Thanh – 38 tuổi, nhân viên văn phòng tại Công ty Grengar, Khu công nghiệp Đồng Xoài 2 – 6 năm tù.

Ngoài án tù, 3 bị cáo còn bị buộc hoàn lại số tiền hơn 2,7 tỉ đồng thu lợi bất chính từ sai phạm của mình.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2017 – 2018, với chức vụ giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Khang cấu kết với Thanh lập khống hồ sơ để ký kết hợp đồng dạy nghề với Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Bình Phước, Phòng Lao động – thương binh và xã hội huyện Đồng Phú.

Thanh cùng với Hồng lập khống hồ sơ, chứng từ quyết toán kinh phí tổ chức đào tạo 59 lớp dạy nghề may công nghiệp và 1 lớp đan lát với tổng số tiền hơn 2,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này được sử dụng cho các nội dung không liên quan đến việc tổ chức dạy nghề cho người lao động, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Từ năm 2017 – 2018, Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Bình Phước ký 39 hợp đồng, giao cho trung tâm tổ chức tuyển sinh và đào tạo 30 lớp may công nghiệp tại Công ty YAKJIN Sài Gòn, 6 lớp may công nghiệp tại Công ty Sao Mai Việt Khang và 3 lớp may công nghiệp tại Công ty Huy Phúc.

Cùng thời gian này, Phòng Lao động – thương binh và xã hội huyện Đồng Phú cũng ký 20 hợp đồng, giao cho trung tâm tổ chức tuyển sinh và đào tạo 20 lớp may công nghiệp tại Công ty YAKJIN Sài Gòn.

Tổng cộng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải tổ chức tuyển sinh và đào tạo 59 lớp dạy nghề may công nghiệp với quy mô mỗi lớp 35 học viên. Song sau khi ký hợp đồng, trung tâm không tổ chức dạy nghề cho người lao động mà vẫn lập khống hồ sơ tổ chức các lớp dạy nghề.

Trong hồ sơ mỗi lớp đào tạo nghề, Khang ký hợp đồng giao khoán cho Thanh nhiệm vụ tuyển sinh, tổ chức lớp học cho trung tâm và thỏa thuận trả thù lao cho Thanh là 150.000 đồng/1 học viên. Khang chỉ đạo Thanh sử dụng danh sách công nhân do các công ty cung cấp để lập khống hồ sơ các lớp dạy nghề do trung tâm tổ chức theo hợp đồng đã ký.

Ngoài ra Khang cũng chỉ đạo lập khống chứng từ đề nghị thanh toán kinh phí tổ chức 1 lớp dạy nghề đan lát thủ công gây thất thoát ngân sách 34 triệu đồng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : 60 lớp họcđào tạo nghềLập khống hồ sơTrung tâm dạy nghề

Các tin liên quan đến bài viết