Với hơn 200.000 cây trên đường phố, trong các khuôn viên và quảng trường, cây xanh thực sự là một di sản quý giá của Paris, biến nơi đây thành một trong những thủ đô xanh nhất châu Âu.

Thủ đô cây xanh của châu Âu - Ảnh 1.

Hàng cây trên đại lộ George V ở Paris

Thật vậy, Paris có lịch sử trồng cây từ thế kỷ 16. Hàng cây đầu tiên được trồng khi trung tâm mua sắm Arsenal hình thành năm 1597. Năm 1855, Paris có 38.000 cây trên các con phố lớn nhỏ. Bốn mươi năm sau, con số tăng lên 88.000 cây và đến năm 2014 là 100.000 cây.

Người Paris trân trọng cây xanh như những di sản kiến trúc, văn hóa quý giá khác, do đó cây được trồng và chăm sóc theo hướng bền vững như bảo tồn, phát triển một di sản sống.

Chặt một cây, xin phép 40 ngày

Từ năm 2014, việc quản lý cây ở Paris được thực hiện trên cơ sở dữ liệu, bản đồ và ứng dụng di động. Mỗi cây đều có mã số kiểu như “căn cước”, trong đó có đầy đủ thông tin về chủng loại, năm trồng, nơi trồng, tình trạng sức khỏe, điều kiện chăm sóc, cắt tỉa.

Các thông tin này được cập nhật hằng năm theo thông tin kiểm tra thực tế do nhân viên lâm nghiệp thành phố đảm nhiệm. Trước tiên họ sẽ kiểm tra bằng mắt để phát hiện các biểu hiện bệnh hay những nguy hiểm nếu có. Sau đó dùng máy móc để dò tìm các khuyết tật bên trong thân cây. Mỗi năm, cơ quan lâm sinh sẽ kiểm dịch chi tiết 20% cây xanh trong thành phố.

Các loại thuốc diệt côn trùng, diệt nấm, chống ký sinh trùng bị cấm tuyệt đối vì gây hại cho cây và môi trường. Thay vào đó, thành phố dùng các phương pháp cơ học và sinh học để kiểm soát hóa chất, giúp bảo tồn bền vững cây xanh và môi trường đô thị.

Hằng năm cây ở Paris được cắt tỉa định kỳ để phù hợp với môi trường đô thị như phát quang để không che mất đèn giao thông, biển báo đường; duy trì khoảng cách giữa cây và xe cộ, tạo thuận lợi cho giao thông. Để bảo vệ cổ thụ, nhân viên cắt tỉa luôn cố gắng tôn trọng hình dạng tự nhiên của cây và tần suất can thiệp cách nhau từ 7 – 9 năm.

Đối với những cây bị sâu bệnh, việc đốn hạ nếu cần sẽ được làm rất cẩn trọng sau khi cơ quan lâm sinh của thành phố đã tiến hành đánh giá toàn diện. Đơn vị chặt cây phải xin giấy phép của cơ quan hành chính. Quá trình hoàn thành thủ tục hành chính để chặt một cây xanh có thể kéo dài đến 40 ngày bởi những quy định chặt chẽ.

Phát triển di sản cây xanh

Mỗi năm có gần 1,5% số cây xanh ở Paris cần thay thế. Bên cạnh đó, từ năm 2019, chính quyền Paris đã triển khai dự án trồng cây để đối phó với biến đổi khí hậu, mục tiêu đến năm 2026 sẽ trồng thêm được 170.000 cây.

Dự án này dựa trên một bộ công cụ hướng dẫn tiêu chuẩn lựa chọn cây xanh đô thị và các dịch vụ cây xanh của Sesame – một nghiên cứu đã tiến hành ở thành phố Metz thuộc miền đông bắc nước Pháp.

Theo đó Paris đang áp dụng một số tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn thay thế và trồng mới cây xanh với mục tiêu hướng tới sự lâu dài và bền vững.

Trước hết họ lựa chọn các loài cây có khả năng thích nghi với môi trường đô thị vốn hạn chế về đất và nguồn nước. Do đó họ chọn các loài thân thẳng, rễ sâu, có bóng rộng, hạn chế những cây mùi quá nồng hoặc có phấn hoa gây dị ứng.

Thứ hai là đa dạng các loài với các loại cây thân gỗ, cây bụi, các loài hoa và cây thân leo. Việc đa dạng hóa cây trồng không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ, mà còn là biện pháp ứng phó hiệu quả, kinh tế và bền vững duy nhất đối với các bệnh thực vật. Thật vậy, hầu hết các bệnh chỉ tấn công một loài. Đây là lý do vì sao việc tập trung các cây cùng loài ở một chỗ sẽ thúc đẩy sự lây lan dịch bệnh. Để tránh nguy cơ đó, Paris ưu tiên luân phiên các loài khi trồng cây mới.

Thứ ba là trồng cây thích nghi với nắng nóng. Các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu đòi hỏi các loài cây trồng mới phải thích ứng với nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng ngày càng thường xuyên hơn trong trung và dài hạn. Đặc biệt, một số loài cây Địa Trung Hải (như cây mâm xôi từ Provence, cây phỉ từ Byzantium, cây lê từ Trung Quốc, cây ô liu từ Bohemia hoặc cây sồi) được chứng minh là đặc biệt phù hợp với môi trường sóng nhiệt cao.

Thứ tư là thúc đẩy các loài bản địa vì chúng phát huy hiệu quả trong việc duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái và thích nghi tốt với hệ động vật sở tại. Đặc biệt các loài cây này có khả năng ra hoa, quả hoặc hạt tốt, có thể tích hợp vào chuỗi thức ăn hoặc sinh sản của các loài sinh vật. Không những thế, việc trồng các loài cây bản địa có hoa có thể bù đắp ít nhất một phần cho việc giảm số lượng ong ở các vùng nông thôn. Nhờ vậy, đến nay ở Paris đã có hơn 300 tổ ong.

Như vậy, với cách tiếp cận trong việc bảo vệ và phát triển cây xanh dưới góc độ của bảo tồn di sản, Paris đã rất thành công trong việc duy trì và mở rộng độ phủ xanh của thành phố. Điều này không chỉ giúp “kinh đô ánh sáng” thêm hấp dẫn với du khách, mà còn giúp ích đáng kể cho thành phố chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang rất phức tạp hiện nay.

Phần đất xung quanh cây đã được phủ lưới để ngăn việc đất bị nén chặt, giúp lưu thông không khí và hấp thụ nước. Khi làm các công trình xây dựng như hầm đỗ xe, đường ống ngầm…, chủ đầu tư phải cung cấp một bản đặc tả những biện pháp bảo vệ cây xanh trong khu vực trước khi thi công.

Trước đây vào mùa đông người ta hay rắc muối để làm tan băng trên vỉa hè, nhưng vì muối gây nứt cây, nhất là những cây thân thẳng nên hiện nay việc này đã bị cấm và các chuyên gia vẫn đang tìm kiếm những biện pháp thay thế ít có hại cho cây hơn.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cây xanhchâu ÂuDi sản kiến trúcParis

Các tin liên quan đến bài viết