Thiếu dịch truyền Dextran 40 điều trị sốc sốt xuất huyết, các bệnh viện ở TP.HCM đã dùng dung dịch albumin, HES 130.000… để thay thế. Tuy vậy, Dextran 40 vẫn là dịch truyền cơ bản, là nền tảng, đạt hiệu quả điều trị tối ưu.

Chống sốt xuất huyết: Dextran 40 vẫn là dịch truyền có hiệu quả tối ưu - Ảnh 1.

Thăm khám bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM

Đây là ý kiến của một số bệnh viện sau công văn của Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phải thực hiện hoặc chỉ đạo các bệnh viện khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức mua sắm để đảm bảo kịp thời cung ứng được dịch truyền Dextran 40 điều trị bệnh nhân sốc sốt xuất huyết.

Trước đó, một số bệnh viện và các sở y tế đã gửi công văn đến Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) về việc gặp khó khăn trong cung cứng dịch truyền cao phân tử Dextran 40 trong điều trị bệnh nhân sốc sốt xuất huyết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 23-7, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – cho biết biểu đồ thống kê bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại bệnh viện cho thấy, số ca đang đi ngang và có xu hướng giảm nhẹ.

Bệnh viện đang điều trị nội trú cho hơn 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó có trường hợp bị sốc sốt xuất huyết.

Dù bệnh viện thiếu dịch truyền Dextran 40 nhưng không gặp khó khăn trong điều trị, vì có “vũ khí” khác thay thế: dung dịch albumin, HES 130.000. Vì vậy, bệnh viện không cần có thuốc Dextran 40 gấp.

“Là bệnh viện tuyến cuối, các bác sĩ chúng tôi đã dùng thuốc khác thay thế Dextran 40 từ trước đến nay. Còn ở các bệnh viện tuyến cơ sở thì thường chỉ dùng mỗi Dextran 40. Theo văn bản dự thảo của Bộ Y tế, bệnh viện chúng tôi sẽ có buổi hướng dẫn cho y tế cơ sở về việc này” – bác sĩ Dũng chia sẻ thêm.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện – cho hay vừa qua các bệnh viện đã có buổi họp với Sở Y tế TP.HCM về việc thiếu dịch truyền Dextran 40 trong điều trị bệnh nhân sốc sốt xuất huyết.

Sở sẽ đại diện mua Dextran 40 cho các bệnh viện trên địa bàn, thậm chí cho một số địa phương khác. Dự kiến vào cuối năm 2022, đầu năm 2023, các bệnh viện sẽ có Dextran 40.

Để giải quyết tình trạng thiếu Dextran 40, bác sĩ Tiến cho biết thêm, cũng như các bệnh viện khác, trong thời gian chờ có Dextran, bệnh viện đã áp dụng phương án thay thế là dùng dung dịch cao phân tử khác theo phác đồ mới của Bộ Y tế, cụ thể là HES 130.000, đồng thời phối hợp với dung dịch albumin.

“Dù có phương án khác thay thể, Dextran 40 vẫn là thuốc cơ bản, là nền tảng, mang lại hiệu quả tối ưu trong chỉ định điều trị bệnh nhân sốc sốt xuất huyết”, bác sĩ Tiến nói và mong muốn có Dextran 40 càng sớm càng tốt.

Dự trù nhiều nhưng tại sao khan hiếm?

Theo báo cáo từ các cơ sở khám, chữa bệnh, từ cuối năm 2020, các cơ sở khám chữa bệnh có dự trù số lượng dịch truyền Dextran gửi về Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục Quản lý dược.

Nguyên nhân của việc dự trù thuốc với số lượng lớn nhưng số lượng ký hợp đồng và số lượng đặt hàng thực tế thấp hơn rất nhiều, thậm chí là không lấy hàng theo kế hoạch là do đến năm 2021, các đơn vị y tế tập trung mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ cho điều trị COVID-19 và không có nhu cầu mua Dextran 40 cũng như các thuốc điều trị sốt xuất huyết khác.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch sốt xuất huyết tăng cao trở lại dẫn đến nhu cầu sử dụng Dextran 40 tăng cao, nhưng cơ sở nhập khẩu không cung cấp được, do thuốc đã hết hạn từ 28-4-2022.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Dịch truyền Dextran 40Sốc sốt xuất huyếtsốt xuất huyết

Các tin liên quan đến bài viết