Chị Nguyễn Thị Thảo vừa sinh con thứ 3 chia sẻ: “Gia đình tôi có kinh tế đầy đủ nên muốn sinh thêm 1 người con để cho vui”. Cũng giống chị Thảo, chị Quỳnh quyết định sinh con thứ 3 vì chị đã sinh 2 con gái và muốn sinh thêm 1 con trai…
Sau nhiều năm duy trì mức sinh thay thế (2,09 con/phụ nữ), Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình vừa cảnh báo tỉ lệ sinh có xu thế gia tăng trở lại, tuy chưa cao. Mức sinh tăng trở lại, vì sao?
Kinh tế khấm khá, sinh thêm cho vui
Sau nhiều năm số gia đình sinh con thứ 3 giảm đi, ngôi làng nhỏ tại ngoại thành Hà Nội gần đây lại quay trở lại việc nhiều người sinh con thứ 3.
Chị Nguyễn Thị Thảo (35 tuổi, Hà Nội) vừa sinh con thứ 3 chia sẻ: “Gia đình tôi có kinh tế đầy đủ nên muốn sinh thêm 1 người con để cho vui”.
Cũng giống chị Thảo, chị Quỳnh quyết định sinh con thứ 3 vì chị đã sinh 2 con gái và muốn sinh thêm 1 con trai để cân bằng “có nếp có tẻ”.
Số liệu thống kê năm 2020 của Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy mức sinh thay thế tăng rất cao trở lại như: khu vực nông thôn: từ 2,11 con (năm 2010) nay tăng lên 2,29 con (năm 2020); Đồng bằng sông Hồng: từ 2,04 con (2010) lên 2,34 con (2020).
Tuy nhiên, mức sinh không đồng đều giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại một số nơi điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con. Chênh lệch mức sinh giữa khu vực nông thôn – thành thị ở mức 0,41 con.
Theo thống kê trên, năm 2020 có đến 33/63 tỉnh, thành phố, phần lớn là những địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội còn rất khó khăn, có mức sinh trên 2,2 con. Chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất là tỉnh Hà Tĩnh – 2,97 con và nơi thấp nhất là TP.HCM (nơi rất cần tăng tỉ lệ sinh) chỉ ở mức 1,35 con, chênh lệch 1,62 con.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến mức sinh tăng cao trên hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, đại diện Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. “Năm 2020 là năm cả nước bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh COVID-19, đây cũng được đánh giá là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mức sinh tăng.
Dịch bệnh COVID-19 khiến công tác kế hoạch hóa gia đình gặp khó khăn, việc tuyên truyền vận động, giáo dục sinh sản không được tổ chức thường xuyên, đặc biệt đối với những người dân vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, kinh tế ngày càng phát triển, người dân có nhu cầu về con cái hơn. Chúng ta nhận thấy mức sinh ở thành thị cũng tăng nhẹ như TP.HCM từ 1,33 con (2018) đã tăng lên 1,35 con (2020).
Còn đối với những vùng nông thôn, mức sinh tăng có thể do việc chuyển đổi kinh phí đưa về nguồn ngân sách địa phương đảm bảo, nhiều địa phương không có kế hoạch bố trí hoặc bố trí không đủ kinh phí mua sắm phương tiện tránh thai miễn phí và chi phí thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng ưu tiên theo quy định.
Vì vậy dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn do không sử dụng các biện pháp tránh thai. Đây cũng là vấn đề đáng báo động, nếu không có hướng giải quyết sẽ khiến tỉ lệ sinh ở vùng nông thôn ngày càng tăng lên”, vị này thông tin.
Theo đó, mức sinh cao tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục…, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân các địa phương này so với các khu vực khác.
“Việt Nam có hơn một nửa số tỉnh có mức sinh cao với quy mô dân số chiếm khoảng 40% dân số cả nước, không nên để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế – xã hội ở những tỉnh này còn nhiều khó khăn”, đại diện Tổng cục Dân số nói.
Bài toán cân bằng giới tính
Ngoài vấn đề mức sinh tăng cao và không đồng đều, Việt Nam vẫn đối diện với hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tình trạng này ra muộn hơn so với một số nước trong khu vực nhưng luôn ở mức trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái từ năm 2006 đến nay.
Đại điện Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình nhận định, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp và có xu hướng lan rộng.
“Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018 mất cân bằng giới tính khi sinh là 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2019 giảm còn 111,5; đến năm 2020 tăng lên mức 112,1.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng dư thừa số lượng nam giới so với nữ giới ở độ tuổi trưởng thành, việc tìm kiếm bạn đời; việc gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến nguy cơ tăng thêm sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ tăng lên.
Đây là vấn đề chúng ta đã đặt ra trong suốt thời gian qua nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Trong giai đoạn 2021 – 2025 mục tiêu từng bước đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2030.
Chúng ta tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ và nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Những biện pháp đồng bộ và mạnh mẽ mới có thể đạt được mục tiêu đề ra”, đại diện Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh.
Nguồn: tuoitre.vn