Số người đi tiêm vắc xin COVID-19 trong những ngày gần đây tại TP.HCM tăng cao, ngày cao điểm lên tới 76.000 người, trong khi những ngày trước đó chỉ có 4.000 – 8.000 người/ngày.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 11-7, nhiều điểm tiêm vắc xin cộng đồng tại TP.HCM như Trạm y tế phường 14 (quận 11), Trạm y tế phường Thạnh Xuân (quận 12), Trung tâm y tế quận Bình Thạnh… rất đông người dân đến tiêm vắc xin. Đa số người dân đến tiêm vắc xin mũi 3, 4.
Số người đi tiêm tăng nhanh
Tại điểm tiêm phường 14 (quận 11) đa số là người lớn tuổi được gia đình đưa đến để tiêm vắc xin mũi 3, 4. Trung bình cứ 5 phút có khoảng 5 – 7 người đến đăng ký tiêm. Hơn 7h sáng vợ chồng bà N.T.M. (67 tuổi, quận 11) đã tranh thủ đến trạm y tế sớm.
8h vợ chồng bà M. đã được tiêm vắc xin mũi 4. “Khi nghe thông tin về sự xuất hiện của biến chủng mới BA.4, BA.5 tôi rất lo lắng. Do đó hai vợ chồng liền đi tiêm mũi 4 để bảo vệ sức khỏe cho mình và mọi người xung quanh”, bà M. nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Ngô Phi Anh, trưởng Trạm y tế phường 14 (quận 11), cho biết trong tuần tại trạm tổ chức tiêm đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu. Trước đó người dân chủ quan nên đi tiêm ít, từ khi xuất hiện biến chủng mới thì trung bình trạm tiêm 120 – 180 liều vắc xin/ngày. Các tổ trưởng khu phố đã đến từng hộ kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Vương, trưởng Trạm y tế phường Thạnh Xuân (quận 12), cũng nhận xét: khoảng 2 tuần trở lại đây, số lượng người dân đến trạm tiêm vắc xin mũi 3, 4 tăng lên rất nhanh. Trước đó những ngày đầu phát động đợt cao điểm tiêm vắc xin, số lượng người dân tiêm rất ít.
Nguyên nhân là do người dân lo ngại sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron BA.4, BA.5. Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân, trạm y tế đã huy động tất cả nhân sự gồm 7 người với 2 – 3 bàn tiêm từ sáng đến chiều, thậm chí tiêm cả thứ bảy, chủ nhật.
“Trong sáng 11-7, trạm tiêm cho từ 500 – 600 người. Khác với 2 tuần trước đó chỉ có khoảng 200 – 300 người đến tiêm trong một ngày. Chúng tôi được phân bổ đầy đủ nên không lo thiếu vắc xin để tiêm cho người dân. Trong thời gian tới nếu số lượng người dân đến tiêm đông hơn trạm sẽ đề xuất địa phương lập thêm điểm tiêm và hỗ trợ thêm nhân sự”, bác sĩ Vương nói thêm.
Đại diện Phòng y tế quận Phú Nhuận cũng cho biết những ngày gần đây số lượng người dân đến tiêm vắc xin tại các điểm tiêm tăng lên nhiều. Thậm chí có điểm tiêm đón 2.000 – 3.000 người/ngày.
Đủ vắc xin để tiêm
Bác sĩ Lê Hồng Nga, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho rằng sở dĩ thời gian gần đây nhiều người dân đã đi tiêm vắc xin là do lo lắng trước sự xuất hiện của biến chủng mới, ngoài ra ngành y tế thành phố cũng đã tuyên truyền cho người dân về những lợi ích của việc chích ngừa vắc xin, công bố tất cả những điểm tiêm trên trang web của HCDC…
Bên cạnh đó những băn khoăn của người dân về tiêm vắc xin đều đã được giải đáp bởi các chuyên gia và đều được đăng tải trên trang web của HCDC. Nhiều người dân đã thấy an tâm hơn, hiểu được lợi ích của vắc xin nên đã đi tiêm.
Cũng theo bà Nga, tính đến ngày 11-7, thành phố vẫn còn hơn 600.000 liều các loại vắc xin COVID-19 để tiêm cho người dân và vắc xin cũng sẽ được cung ứng đầy đủ cho nhu cầu của người dân muốn tiêm chủng. Hiện nay một ngày tại TP.HCM có rất nhiều điểm tiêm vắc xin đặt tại các bệnh viện, các trạm y tế và một số điểm tiêm ngoài cộng đồng.
Danh sách các điểm tiêm, đối tượng tiêm cũng được cập nhật hằng ngày trên trang web của HCDC. Do đó người dân có thể truy cập và chỉ cần mang theo căn cước công dân đến các điểm tiêm sẽ được tiêm vắc xin.
Bà Nga khuyến cáo hiện nay COVID-19 đã xuất hiện biến chủng mới. Do đó người dân cần mang khẩu trang, vệ sinh tay và đi tiêm vắc xin để phòng ngừa biến chủng mới này.
Bộ Y tế yêu cầu giao chỉ tiêu tiêm chủng đến tận cấp xã
Trong những ngày qua, Bộ Y tế liên tục có văn bản đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Theo công văn mới nhất của Bộ Y tế đề nghị các UBND tỉnh, thành phố trên cả nước tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Trong đó Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cảnh báo việc người dân còn lơ là, chủ quan, không tiêm chủng vắc xin theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế.
“Bộ Y tế đề nghị các đơn vị triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, giao chỉ tiêu tiêm chủng tới tận cấp huyện, cấp xã; thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin cho người dân”, bà Hương nhấn mạnh.
Theo thống kê của Cổng tiêm chủng quốc gia, ngày 22 và 27-6 cả nước triển khai tiêm chủng hơn 1 triệu mũi tiêm, đây cũng là số lượng mũi tiêm cao nhất trong tháng 6. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo số liệu mũi tiêm liên tục giảm mạnh, thấp nhất là ngày 3-7 chỉ tiêm được 66.330 mũi tiêm.
Một tuần trở lại đây, số lượng mũi tiêm đã tăng nhẹ, ổn định ở mức trung bình hơn 300.000 mũi/ngày.
Lượng người dân đi tiêm vắc xin tại Đồng Nai tăng mạnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho hay tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thời gian gần đây tăng mạnh. Nguyên nhân do địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm mũi 3 và mũi 4 để nâng cao hiệu quả ngừa bệnh.
“Đích thân lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế đi xuống từng huyện, các khu công nghiệp để làm công tác kiểm tra, vận động, động viên người dân và người lao động tham gia tiêm vắc xin.
Do đó, tiến độ tiêm thời gian gần đây nhanh hơn”, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai chia sẻ và cho biết thêm Đồng Nai hiện còn hơn 462.000 liều vắc xin để tiêm cho người dân. Do đó, Đồng Nai không sợ thiếu vắc xin.
Bình Dương: tỉ lệ tiêm mũi 4 vẫn còn thấp
Theo ông Nguyễn Hồng Chương – giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, với đặc thù là tỉnh công nghiệp, nhiều công nhân nhập cư, hiện nay mặc dù tỉ lệ tiêm mũi 1, 2, 3 khá tốt, nhưng số lượng tiêm mũi 4 còn hạn chế.
Tính tới cuối tháng 6-2022, trong khi tỉ lệ tiêm mũi 3 đã đạt trên 76% thì tỉ lệ tiêm mũi 4 của người dân trong tỉnh mới đạt 1,5%. Trong đó nếu tính tỉ lệ tiêm mũi 4 đối tượng từ 50 tuổi trở lên thì đạt 8,6%.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, có thể do Bình Dương có số lượng người từng nhiễm COVID-19 khá lớn (có thời điểm gần 10% dân số nhiễm, về số lượng nhiễm chỉ đứng sau TP.HCM) nên sau khi khỏi bệnh thì tâm lý người dân chưa muốn tiêm thêm vắc xin.
Hiện nay ở tỉnh Bình Dương các điểm tiêm vắc xin hoạt động bình thường và cơ quan chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đi tiêm vắc xin đủ liều nhằm đảm bảo sức khỏe của bản thân.
TP.HCM: số người tiêm vắc xin tăng gấp 10 lần
Theo HCDC, chỉ trong ngày 6-7, đã có hơn 76.000 người dân đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các điểm tiêm ở TP.HCM. Đặc biệt số lượt người dân đến tiêm mũi nhắc lần 2 vắc xin phòng COVID-19 chiếm tỉ lệ cao nhất là 72,3% (55.356 người), tăng gấp 3,8 lần so với ngày trước đó 5-7 (14.720 người).
Con số này cao gần gấp 10 lần nếu so sánh với thời gian trước khi ngành y tế thành phố mở đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 (trước ngày 13-6, trung bình mỗi ngày chỉ có 4.000 – 8.000 lượt tiêm).
Tương tự, trong ngày 8-7, thành phố đã tiêm được tổng cộng 77.482 liều vắc xin tại 209 điểm tiêm chủng và có đến 54.624 người tiêm mũi nhắc lần 2 (chiếm 71%). Đặc biệt trong đó có 65.789 người từ 18 tuổi trở lên đã đi tiêm, trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi là 6.984 người và trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có 4.709 em.
Tính đến hết ngày 9-7, tổng số mũi vắc xin đã tiêm tại TP.HCM là 21.847.500 mũi (bao gồm 8.506.027 mũi 1, 7.562.008 mũi 2, 685.361 mũi bổ sung, 4.435.681 mũi nhắc lần 1 và 658.423 mũi nhắc lần 2…).
Đẩy mạnh vận động, gia tăng điểm tiêm
Người dân tiêm chủng mũi 3, 4 tại Trạm y tế phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội
Nhiều người dân tại Hà Nội và các tỉnh miền Tây đã trở lại điểm tiêm chủng vắc xin. Bộ Y tế ghi nhận lượng người đi tiêm vắc xin cũng tăng lên.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ vào sáng 11-7 tại điểm tiêm chủng phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) khá đông người dân xếp hàng chờ lượt tiêm vắc xin COVID-19. Đến 10h sáng, điểm tiêm chủng đã tiến hành tiêm mũi 3, 4 cho hơn 200 người dân.
Vận động từ khu phố
Chị Phương Thanh (22 tuổi, quận Hà Đông) được tổ dân phố thông báo lịch tiêm và đã có mặt tại điểm tiêm chủng từ sớm.
Chị Thanh cho biết chị đã tiêm 3 mũi, hôm nay là mũi tiêm thứ 4. “Nghe thông tin có biến chủng COVID-19 mới gây lây lan nhanh hơn nên tôi cũng khá lo lắng, tiêm phòng như vậy cũng an tâm hơn khi đi ra ngoài nhiều”, chị Thanh nói.
Còn bà Nguyễn Thị Hoan (74 tuổi, quận Hà Đông) ngồi chờ theo dõi sau tiêm chia sẻ cả nhà chưa ai mắc COVID-19 và hy vọng mũi tiêm bổ sung sẽ giúp cả nhà “tránh” được bệnh. “Tôi tiêm mũi thứ 4 rồi, phản ứng sau tiêm cũng chỉ đau chỗ tiêm một chút không đáng ngại”, bà Hoan nói.
Đại diện Trạm y tế phường Quang Trung cho biết hai tuần trở lại đây lượng người dân đến tiêm chủng đã tăng đáng kể so với tháng trước. “Chúng tôi vận động từ cán bộ ban phòng chống dịch của khu phố cho đến người dân.
Đồng thời rà soát các đối tượng có đủ điều kiện tiêm chủng, nhắn tin đến từng người dân nhắc lịch tiêm. Tháng trước mỗi ngày tổ chức tiểm chủng chúng tôi chỉ tiêm được 100 – 200 mũi thì bắt đầu từ tháng này đã tăng lên rõ rệt. Người dân đến tiêm chủng trong những ngày qua tăng 100 – 150% so với trước đó”.
Lý giải nguyên nhân người dân trở lại với điểm tiêm chủng, cán bộ Trạm y tế phường Quang Trung nhận định ngoài việc vận động bằng nhiều hình thức, qua các kênh tuyên truyền từ tổ dân phố, việc xuất hiện biến chủng mới cũng khiến người dân lo lắng nên đi tiêm theo lịch.
Bên cạnh đó đến tháng 7 nhiều người dân đã đủ điều kiện tiêm chủng (sau mắc COVID-19 ba tháng) nên số lượng tiêm chủng dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Đại diện CDC Hà Nội thông tin thêm bắt đầu từ tuần này Hà Nội “tăng tốc” để bao phủ vắc xin mũi 3, 4 cho đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng. Vị này nói thêm:
“Chúng tôi đã đề nghị tất cả các ban, ngành vào cuộc để cùng tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm chủng thuận lợi nhất, khuyến khích người dân đến điểm tiêm chủng theo lịch. Mục tiêu là tháng 7 sẽ tiêm mũi 3, 4 cho người trên 18 tuổi đủ điều kiện, tiêm mũi nhắc lại cho trẻ 12 – 18 tuổi, để đạt mức độ bao phủ vắc xin cao nhất trước biến chủng COVID-19 mới có nguy cơ lây lan mạnh hơn”.
Tăng thêm điểm tiêm ở các xã phường
Mới đây UBND thành phố Cần Thơ đã có công văn phân bổ 65.100 liều vắc xin Moderna cho 10 đơn vị, gồm các quận huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Phong Điền và CDC để tổ chức tiêm chủng mũi 3, 4 cho người dân.
Bác sĩ Nguyễn Nhân Nghĩa, phó trưởng phòng kế hoạch – nghiệp vụ CDC Cần Thơ, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu tiêm nhanh chóng cho người dân, CDC đã bố trí điểm tiêm vắc xin trải đều tất cả xã phường, các trạm y tế xã phường, trung tâm y tế quận huyện và tại CDC đều có tổ chức tiêm chủng cho người dân”.
Tại An Giang, theo Sở Y tế tỉnh này, khoảng 1, 2 tuần gần đây lượng người đến đăng ký tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đã tăng lên. Hiện nay vắc xin không thiếu, người dân liên hệ các trạm y tế sẽ được tiêm vắc xin nhanh chóng hoặc đến tiêm tại CDC tỉnh.
Tại Đồng Tháp, ông Dương Ân Hận, phó giám đốc CDC tỉnh Đồng Tháp, cũng nhận xét gần đây người dân đã chủ động đi tiêm vắc xin mũi 3, 4 đông hơn, tiến độ tiêm khả quan hơn trước.
“Sắp tới chúng tôi tiếp tục vận động ngành giáo dục hỗ trợ trong việc tiêm cho học sinh, tuyên truyền cho người dân đến tiêm mũi 3, 4 trước nguy cơ biến thể mới xâm nhập vào Việt Nam. Kế hoạch tiêm vắc xin đã được gửi về các huyện thị, người dân có thể đến trạm y tế xã, bệnh viện hoặc CDC tỉnh để được tiêm vắc xin”, ông Hận nói.
Nguồn: tuoitre.vn