Tetsuya Yamagami ôm hận thù với một nhóm tôn giáo mà anh ta cho rằng có liên quan tới ông Abe, nên quyết định ra tay ám sát cựu thủ tướng.

Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, bị các sĩ quan an ninh khống chế tại hiện trường sau khi nổ hai phát súng vào cựu thủ tướng Shinzo Abe, người đang phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) trên một con phố đông đúc ở thành phố Nara, miền tây Nhật Bản. Ông Abe, 67 tuổi, qua đời chiều 8/7 tại Bệnh viện Đại học Y Nara do vết thương quá nặng.

Cảnh sát Nhật Bản đã mở cuộc điều tra sâu rộng sau khi Yamagami thừa nhận đã bắn cựu thủ tướng Abe. Thông tin về quá khứ nhiều hận thù của người đàn ông này cũng dần được hé lộ qua lời khai của Yamagami tại cơ quan điều tra và lời kể của những người quen biết.

Nghi phạm Tetsuya Yamagami được áp giải rời khỏi đồn cảnh sát Nara-Nishi, tỉnh Nara, hôm 10/7. Ảnh: Asahi Shimbun.

Nghi phạm Tetsuya Yamagami được áp giải rời khỏi đồn cảnh sát Nara-Nishi, tỉnh Nara, hôm 10/7. Ảnh: Asahi Shimbun.

Theo tờ Asahi, Yamagami sống cùng mẹ, anh trai và em gái ở Nara. Cha anh ta điều hành một công ty xây dựng nhưng đã qua đời khi Yamagami còn nhỏ. Người mẹ tiếp quản công ty nhưng ngày càng sa đà vào các hoạt động của một tổ chức tôn giáo. Bà đã quyên góp số tiền rất lớn cho nhóm này.

Một người họ hàng cho biết mẹ Yamagami dường như muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thông qua tổ chức tôn giáo mà bà là thành viên năng nổ. “Bà ấy là một góa phụ và tôi cho rằng bà ấy luôn cảm thấy không an toàn về tương lai gia đình mình”, người này nói, thêm rằng trong quá khứ, ông thường xuyên nhận được điện thoại từ ba đứa trẻ, phàn nàn về việc chúng “không có gì để ăn”.

Người họ hàng đã cho tiền để lũ trẻ có thể trang trải cuộc sống, đôi khi còn mang thức ăn đến cho chúng.

Thời đi học, Yamagami vào một trường trung học ưu tú của tỉnh Nara, nơi có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp được nhận vào các ngôi trường đại học hàng đầu đất nước rất cao. Sau khi tốt nghiệp, Yamagami theo học tại một trường kỹ thuật.

Anh ta gia nhập Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) vào năm 2002, thời điểm mẹ Yamagami bị Tòa án quận Nara tuyên bố phá sản, theo các nguồn tin từ cơ quan điều tra.

Phát ngôn viên JMSDF hôm qua cho hay một người có tên và ngày sinh trùng khớp với Yamagami từng phục vụ trên một tàu khu trục của nước này. Trong quá trình huấn luyện, quân nhân trên được đào tạo cơ bản về sử dụng và bảo dưỡng súng trường, đồng thời trải qua khóa huấn luyện hàng năm. “Người đó thuộc đơn vị quân khí, phụ trách các loại vũ khí trên chiến hạm”, phát ngôn viên JMSDF nói.

Người họ hàng cho biết ông tin rằng Yamagami quyết định trở thành thành viên JMSDF “vì gặp khó khăn trong kiếm sống”. Công ty xây dựng do mẹ anh ta điều hành bị giải thể vào năm 2009.

Tháng 10/2020, thông qua môi giới, Yamaguchi được tuyển vào làm việc tại đơn vị vận chuyển hàng hóa của một nhà máy ở tỉnh Kyoto. Đồng nghiệp cũ mô tả Yamagami là người “hoàn toàn bình thường” và có vẻ “nghiêm túc”.

Một nhân viên giấu tên tại cơ quan môi giới việc làm đã phỏng vấn Yamagami miêu tả anh ta là người “hoàn toàn bình thường”, nhưng thêm rằng Yamagami “không nói nhiều” và “mang lại cảm giác hơi u ám”.

Một đồng nghiệp cho biết Yamagami là người kín tiếng, ít giao tiếp. “Nếu trao đổi về công việc, anh ta sẽ trả lời, nhưng không bao giờ đi sâu vào cuộc sống riêng tư. Anh ta cư xử có vẻ nhẹ nhàng”, người này nói, thêm rằng Yamagami thường “ăn trưa một mình trong xe ôtô” và “các cuộc trò chuyện với anh ta không bao giờ bị lan man quá nhiều chủ đề”.

Người đồng nghiệp cũ còn cho hay không gặp vấn đề gì với Yamagami trong 6 tháng đầu anh ta tới làm việc, cho đến khi Yamagami bắt đầu có biểu hiện bỏ bê các quy định lao động. Hồi tháng 3, Yamagami bắt đầu nghỉ việc không phép và phàn nàn về các vấn đề liên quan đến tim, dù trước đó không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào.

Yamagami khai với các điều tra viên rằng anh ta căm thù và “không thể tha thứ” một tổ chức tôn giáo nào đó mà anh ta cho rằng ông Abe có liên quan. Yamagami nói rằng mẹ anh ta tham gia tổ chức tôn giáo này và bị họ làm cho khánh kiệt.

Cảnh sát khống chế nghi phạm Tetsuya Yamagami (áo xám) tại hiện trường vụ nổ súng hôm nay. Ảnh: AFP.

Cảnh sát khống chế nghi phạm Tetsuya Yamagami (áo xám) tại hiện trường sau vụ nổ súng. Ảnh: AFP.

“Mẹ tôi vẫn chi tiền cho họ ngay cả khi bà đã phá sản”, Yamagami nói với cảnh sát. Cảnh sát Nhật không công bố tên gọi của tổ chức này, cũng như danh tính mẹ của Yamagami.

Khi được hỏi về nhóm tôn giáo mà nghi phạm đề cập, người họ hàng cho biết ông nghĩ Yamagami “đã ôm mối hận trong suốt thời gian dài”. Các nguồn tin cũng tiết lộ Yamagami khai rằng anh ta ban đầu muốn nhắm mục tiêu vào người đứng đầu của tổ chức tôn giáo, nhưng từ bỏ vì nhận ra phương án này “quá khó”.

Yamagami sau đó chuyển mối hận thù sang ông Abe, người mà anh ta cho là có liên quan tới nhóm tôn giáo và đã quảng bá cho tổ chức này. Cảnh sát Nhật đang điều tra lời khai của Yamagami về mối liên quan giữa ông Abe với nhóm tôn giáo trên, nhưng chưa công bố thông tin nào.

Mặc dù từ chức thủ tướng Nhật Bản vào năm 2020 vì lý do sức khỏe, ông Abe vẫn là một tiếng nói có ảnh hưởng trên chính trường và vẫn tiếp tục vận động cho đảng LDP. Ông thường xuyên tới các địa phương để vận động cử tri bỏ phiếu cho đại diện của LDP trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 10/7.

Nghi phạm khai với cơ quan điều tra rằng ban đầu anh ta định dùng chất nổ sát hại cựu thủ tướng Abe. Yamagami cũng định thực hiện vụ ám sát tại một sự kiện ở Okayama, cách Nara khoảng ba giờ lái xe.

“Tôi đã nghĩ đến việc ám sát cựu thủ tướng ở Okayama, nhưng tôi thấy họ bố trí lực lượng kiểm tra an ninh ở lối vào và cảm thấy việc xâm nhập vào địa điểm tổ chức sự kiện là rất khó”, Yamagami cho hay.

Để chuẩn bị cho kế hoạch ám sát, nghi phạm khai đã tìm hướng dẫn chế tạo súng trên Internet, cũng như đặt hàng các chi tiết và thuốc súng qua mạng. Cảnh sát đã phát hiện nhiều khẩu súng tự chế tại nhà của nghi phạm, trong đó có khẩu súng 6 nòng làm bằng ống thép.

Khi nghe tin ông Abe sẽ tới thành phố Nara để vận động nhằm hỗ trợ một thành viên đảng LDP đang gặp khó khăn, Yamagami dường như đã tận dụng cơ hội. Anh ta đã sử dụng khẩu súng tự chế hai nòng nhồi thuốc súng, với đạn là 6 viên bi chứa trong vỏ nhựa. Nghi phạm cho biết đây là vũ khí “uy lực nhất” trong số những khẩu súng tự chế của anh ta.

Yamagami trà trộn trong đám đông, đứng quan sát ông Abe phát biểu, trước khi tiếp cận từ phía sau, giương khẩu súng lên ở khoảng cách 5 m và bóp cò. Phát súng đầu tiên tạo ra tiếng nổ và đám khói lớn, nhưng dường như không trúng ông Abe. Cựu thủ tướng quay lại, trong khi các cận vệ xung quanh ông giật mình và gần như không có bất cứ phản ứng che chắn nào cho ông.

Ba giây sau phát súng thứ nhất, Yamagami bắn tiếp phát thứ hai. Những viên đạn bi tạo ra ba vết thương lớn ở cổ và ngực ông Abe, mảnh đạn theo mạch máu làm thủng tim, khiến các bác sĩ không thể cứu chữa được cho cựu thủ tướng.

Lãnh đạo cảnh sát tỉnh Nara thừa nhận công tác bảo vệ đã có những lỗ hổng “không thể chối cãi” dẫn đến cái chết của cựu thủ tướng. Cơ quan điều tra cũng đang tích cực tìm hiểu để làm rõ điều gì đã xảy ra.

Theo VnExpress

Từ khóa : Cựu thủ tướng Nhật BảnNaranghi phạm YamagamiShinzo Abe

Các tin liên quan đến bài viết