Theo South China Morning Post, cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh đang dần trở nên nóng hơn khi Mỹ đẩy nhanh tốc độ phát triển nhằm bắt kịp Nga và Trung Quốc. Ngoài 3 cường quốc quân sự này, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Đức và Triều Tiên cũng đã tuyên bố thử nghiệm tên lửa siêu thanh.
Các chuyên gia quân sự cho biết, vũ khí siêu thanh được cho là tương lai của quân sự, bởi trong vai trò chống hạm hay tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền, chúng gần như không thể bị ngăn chặn. Việc sở hữu một tên lửa có vận tốc tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), đi kèm với độ chính xác cao mang lại lợi thế lớn.
Hiện tại, Trung Quốc đã thành công triển khai DF-17, một hệ thống tên lửa siêu vượt âm, được thiết kế để tấn công các mục tiêu tầm trung. Ngoài ra, một tên lửa chống hạm siêu thanh gắn trên máy bay chiến đấu mang tên “CH-AS-X-13” cũng đang được phát triển, bên cạnh đó là kế hoạch nâng cấp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41. Vào năm ngoái, Trung Quốc còn thực hiện một thử nghiệm đưa một vũ khí siêu thanh vào quỹ đạo.
Về phía Nga, Moscow đã giới thiệu mẫu tên lửa tấn công Kinzhal vào năm 2017. Kinzhal là tên lửa đất đối không, có tầm bắn hơn 2.000km, tốc độ gấp 12 lần âm thanh, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Thực tế, Kinzhal không phải là một loại vũ khí mới, nó có nguồn gốc từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander-M của Nga. Ngoài ra, Moscow cũng đang tiến hành phát triển đầu đạn dẫn đường siêu thanh Avangard và tên lửa hành trình Tsirkon, có khả năng tấn công cả trên bộ và dưới nước.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây dường như đang tụt lại trong cuộc đua vũ khí siêu thanh, khi mà Washington mới chỉ lần đầu thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh phóng từ máy bay chiến đấu trong năm nay. Vào hồi tháng 4, Mỹ, Anh và Australia đã thống nhất việc hợp tác phát triển “vũ khí siêu thanh và phản siêu thanh” dựa trên hiệp ước an ninh Aukus. Động thái này được đưa ra nhằm rút ngắn khoảng cách với Nga và Trung Quốc nhanh nhất. Một đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản cũng được cho là đang phát triển một tên lửa chống hạm siêu thanh, với khả năng xuyên phá bất kỳ một tàu sân bay nào.
Theo ông Timothy Heath – chuyên gia quân sự của Rand, lý do chính dẫn tới cuộc đua phát triển tên lửa siêu thanh là do khả năng “răn đe” của vũ khí này. Hiện tại, không có biện pháp phòng thủ nào tỏ ra thực sự hữu hiệu trước những vũ khí siêu thanh. Ngay cả hệ thống Aegis cũng gặp khó trong việc dự đoán đường bay của tên lửa siêu thanh, hơn nữa, tốc độ của loại vũ khí này cũng khiến thời gian đưa ra quyết định đánh chặn trở nên rất nhỏ.
Nguồn: vietnamnet