Đài CNN mô tả việc di chuyển bằng máy bay giờ đây giống như một “cơn ác mộng”, trong bối cảnh mùa đi lại cao điểm chỉ mới bắt đầu.
Vấn đề của các hãng hàng không là khi thiếu nhân viên sân bay hoặc nhân viên vận hành, điều đó chỉ gây chậm trễ cho chuyến bay. Nhưng khi không có phi công, chuyến bay có thể sẽ bị hủy.
Cơ trưởng CASEY MURRAY (chủ tịch Hiệp hội Phi công Hãng Southwest Airlines)
Nhiều nguyên nhân
Tại Mỹ, trong bối cảnh ước tính hàng chục triệu người đi máy bay hoặc lái xe vào ngày nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ 4-7, nhiều người đang phải đối mặt với vấn đề di chuyển chậm chạp vì nhiều chuyến bay bị trì hoãn hoặc hủy, đồng thời chi phí đắt đỏ hơn do giá nhiên liệu cao.
Theo Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), ước tính khoảng 47,9 triệu người đi du lịch ở Mỹ từ ngày 1 tới 4-7, tăng gần 4% so với cùng thời gian năm ngoái. Mặc dù phần lớn những người này sẽ di chuyển bằng đường bộ, nhưng hơn 3,5 triệu người dự kiến đi máy bay nếu chuyến bay của họ không bị hoãn hoặc hủy. Dữ liệu của trang theo dõi chuyến bay FlightAware cho thấy hơn 3.800 chuyến bay trong nước và ra vào nước Mỹ đã bị hoãn vào hôm 2-7. Ngoài ra, hơn 2.300 chuyến bay bị hủy cùng ngày.
Tại châu Âu, từ London đến Amsterdam và Berlin, cảnh hỗn loạn đang diễn ra ở nhiều sân bay. Một hành khách xếp hàng tại sân bay Düsseldorf (Đức) chia sẻ với Đài Deutsche Welle: “Chúng tôi tức giận vì chúng tôi đang đi nghỉ dưỡng. Chúng tôi sắp xếp mọi thứ và đến sân bay sớm hơn 5 tiếng. Nhưng rốt cuộc lại lãng phí thời gian, vì với số thời gian đó chúng tôi có thể làm những việc khác”.
Trong khi đó, Hãng hàng không KLM (Hà Lan) gần đây đã buộc phải hủy bỏ tất cả các chuyến bay từ châu Âu đến Amsterdam do sân bay đông đúc.
Theo Đài NPR, ngoài các yếu tố như giá nhiên liệu cao hay thời tiết xấu và số lượng hành khách tăng trong mùa hè, tình trạng thiếu phi công cũng góp phần gây ra sự hỗn loạn cho hàng không thế giới vào mùa hè năm nay. Trong suốt đại dịch COVID-19, hàng ngàn phi công đã nhận gói nghỉ hưu sớm, và do các chương trình đào tạo phi công bị gián đoạn nên lực lượng phi công hiện tại không được bổ sung đầy đủ.
Nguồn nhân lực là cốt lõi
Đài CNN nhận định hiện tại không có giải pháp nhanh chóng cho vấn đề rối loạn mà ngành hàng không đang đối mặt. Trong thư gửi tới hành khách để xin lỗi vì phải hủy hàng ngàn chuyến bay vừa qua, Hãng hàng không Lufthansa (Đức) cũng cảnh báo hành khách rằng tình hình “khó có thể cải thiện trong ngắn hạn”, đồng thời cho rằng sự ổn định sẽ chỉ đạt được trong mùa đông.
Hiện nay, vấn đề lớn mà các sân bay và các hãng hàng không gặp phải chính là nguồn nhân lực. Nhiều người có kinh nghiệm đã rời đi trong đại dịch (bị sa thải hoặc tự nguyện nghỉ việc). Giờ đây các hãng hàng không, sân bay và các bộ phận quan trọng khác của hệ thống hàng không không thuê được đủ người và đào tạo nhanh chóng các thành viên mới để thay thế. Do đó cần giải quyết vấn đề nhân lực.
“Quá nhiều nhân viên và nguồn lực vẫn chưa sẵn sàng, không chỉ với các đối tác cơ sở hạ tầng của chúng tôi mà còn ở một số khu vực của riêng chúng tôi. Gần như mọi công ty trong ngành của chúng tôi đang tuyển dụng nhân sự mới, dự kiến vài ngàn người chỉ riêng ở châu Âu” – Lufthansa cho biết.
Tại Anh cũng có một thực tế là họ không thể thu hút được nhóm lao động đến từ Liên minh châu Âu (EU) sau sự kiện Brexit (Anh rời EU). Ngoài ra, các cuộc đình công của nhân viên hàng không làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu nhân lực, trong bối cảnh các nhân viên sân bay đối mặt với áp lực ngày càng tăng. Đây là vấn đề quan trọng khác mà các nhà quản lý cần giải quyết.
Một số công đoàn đại diện cho nhân viên hàng không đã lên tiếng và tổ chức các cuộc biểu tình để thu hút sự chú ý về tình trạng căng thẳng của các nhân viên này. Hôm 30-6, hơn 1.200 phi công và nhân viên của Hãng hàng không Delta (Mỹ) đã tổ chức các cuộc biểu tình tại một số sân bay trải dài từ New York đến Los Angeles (Mỹ) để yêu cầu trả lương cao hơn.
Hiện nay các nước đang ra sức tìm cách để “cứu” các sân bay. Đức cho biết họ sẽ hỗ trợ ngành hàng không đưa nhân viên nước ngoài, chủ yếu Thổ Nhĩ Kỳ, đến Đức để lấp đầy khoảng trống do những người bỏ việc để lại trong đại dịch. Tại Ireland, Bộ Giao thông vận tải đang đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng hỗ trợ để giúp giảm bớt các vấn đề về nhân lực tại sân bay Dublin.
Đe dọa phục hồi hậu đại dịch
Đài Deutsche Welle nhận định tình trạng rối loạn tại sân bay ở các trung tâm châu Âu như Frankfurt (Đức), London (Anh) và Paris (Pháp) có thể phá hoại sự phục hồi của ngành hàng không thế giới sau ghi nhận mức thấp nhất trong đại dịch COVID-19 vào năm 2020, thời điểm ngành hàng không mất hơn 230 tỉ USD do bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đi lại.
So với Mỹ và châu Âu, hiện tại ngành hàng không ở châu Á đang phục hồi chậm hơn, với nhiều nước đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại. Trong khi đó, theo báo The Guardian, cảnh hỗn loạn ở các sân bay cũng làm gián đoạn kế hoạch đi nghỉ của hàng trăm ngàn người ở Úc.
Nguồn: tuoitre.vn