Vải thiều sẽ có mặt trong các suất ăn của công nhân; xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ thay vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Văn Năm, phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), cho biết ngoài thị trường Trung Quốc, vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP sẽ được xuất khẩu đến 30 nước như Nhật Bản, Mỹ…
Theo ông Năm, với chính sách Zero COVID và lệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc, huyện Lục Ngạn đang xúc tiến, đưa vải thiều đến các tỉnh, các khu công nghiệp, tập đoàn… nhất là khi năm 2022 được dự báo là năm được mùa, được giá và tiêu thụ thuận lợi.
“Nhiều tập đoàn đã ký kết với huyện trong tiêu thụ. Với 100 triệu dân, chỉ cần mỗi người tiêu thụ 1 cân thì cơ bản giải quyết được bài toán tiêu thụ vải thiều”, ông Năm nói.
Cụ thể, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã ký kết với huyện Lục Ngạn tiêu thụ vải thiều tới khoảng 3 triệu công nhân lao động. Ngoài ra, các tổ chức công đoàn, các hội phụ nữ cũng có chương trình ký kết với huyện trong tiêu thụ quả vải. Về lâu dài, quả vải sẽ “tìm đường” xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới thay vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Là hộ dân trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Chu Xuân Ba (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) chia sẻ vải chất lượng cao có giá nhỉnh hơn vải thông thường từ 5.000 – 7.000 đồng/kg do quả ngọt, mẫu mã đẹp, an toàn cho cả người trồng và người mua.
“Thông thường, nhà tôi bỏ ra từ 100 – 120 triệu đồng/vụ vải nhưng năm ngoái do ảnh hưởng của COVID-19, nhà tôi bán được 50% tổng số vải thu hoạch, còn lại hỏng hết nên thiệt hại kinh tế rất lớn. Mình chủ yếu quen bán quả vải cho thương nhân Trung Quốc”, ông Ba trải lòng.
Theo ông Ba, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên khâu tiêu thụ vải thiều năm nay sẽ gặp khó khăn, còn 7-8 năm nay, thương nhân Trung Quốc thu mua hết quả vải ở vườn nhà ông.
Để tiêu thụ vải thiều thuận lợi, ông mong muốn được Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay ngân hàng lãi suất thấp, thời gian kéo dài 5-7 năm thay vì vay từng năm như hiện nay; tạo thuận lợi cho xe container xuất khẩu vải thiều nhanh chóng; hỗ trợ đầu tư kho lạnh chứa vải thiều; mở sạp hàng trên sàn thương mại điện tử…
Nắm bắt ý kiến người dân, phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Trương Văn Năm cho hay huyện tập trung tuyên truyền tới người dân thực hiện nghiêm quy định của các vùng mã trồng vải, đóng gói để xuất khẩu.
“Huyện đã tham mưu với tỉnh Bắc Giang và có cơ chế chính sách hỗ trợ bà con nhân dân, nhất là các cơ sở sản xuất đá, xốp và xây dựng các lò sấy vải. Trường hợp cần giải quyết vấn đề xung quanh thị trường tiêu thụ thì bà con nhân dân tiến hành sấy vải khô”, ông Năm nói.
Tính đến ngày 27-6, vải thiều Lục Ngạn đã được tiêu thụ chủ yếu lại thị trường phía Nam, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc. Quả vải cũng được xuất sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang) và Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Đến nay, huyện Lục Ngạn tiêu thụ 15.585 tấn trong nội địa và 16.946 tấn xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 97%). Giá bán vải sớm dao động từ 14.000 – 28.000 đồng/kg, vải thiều từ 15.000 – 25.000 đồng/kg.
Nguồn: tuoitre.vn