Các Ngân hàng Trung ương phải giải một bài toán ba mục tiêu: chống lạm phát, hạn chế vay nợ quá mức để đầu cơ tài sản, tránh suy thoái. Điều này là bất khả thi.

Các ngân hàng TƯ tìm cách “hạ cánh” trong màn sương mù

Ngày 15/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 0,75% để đối phó lạm phát tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Trước đó, trong tuần đầu tháng 5/2022, Fed đã nâng lãi suất lên 0,5% và bắt đầu thực hiện thu hẹp bảng cân đối của mình.

Việc bơm tiền quá tay vào nền kinh tế, cộng với lạm phát tiếp tục cao và kéo dài khá lâu so với dự kiến, đã trở thành bộ đôi khiến việc nâng lãi suất, thu hẹp bảng cân đối với tốc độ nhanh hơn lúc này là bắt buộc.

“Tăng lãi suất sẽ không giải quyết được vấn đề lạm phát, nó không giúp tạo ra nhiều lương thực hơn”.
Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz trả lời Bloomberg tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sỹ), tháng 5/2022. 

Nhưng Fed cũng có mục tiêu rất quan trọng khác cần phải cân bằng là làm sao nâng lãi suất, thu hẹp bảng cân đối mà không gây suy thoái? Đây là điều được nhà kinh tế học Mohamed El-Erian, Cố vấn kinh tế trưởng của Allianz gọi là nỗi sợ tăng trưởng thấp (growth scare).

Yếu tố lo sợ suy giảm tăng trưởng thậm chí là suy thoái, đang dần trở thành nỗi lo lớn hơn lạm phát. Rủi ro suy thoái của kinh tế toàn cầu đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên các bình luận của tờ Financial Times và The Economist. Trong nội bộ nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư, đây là chủ đề họ lo ngại chứ không phải câu chuyện lạm phát.

Goldman Sachs đánh giá rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ là khoảng 35%. Ngay cả trong trường hợp Mỹ tránh được rủi ro suy thoái, rủi ro vỡ nợ tín dụng trong nền kinh tế Mỹ vẫn còn đó.

Lạm phát ở cao ở nhiều quốc gia ảnh hưởng tới cuộc sống người dân 

Nhưng dù sao thì Mỹ cũng đang ở trạng thái tốt hơn Anh. Đầu tháng 5/2022, Ngân hàng Trung ương Anh đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 13 năm, về mức 1%. Anh ở tình thế còn khó khăn hơn cả Fed, khi lạm phát vọt lên mạnh, họ phải chạy theo sau lạm phát nhưng không thể kéo lãi suất lên quá nhanh vì sợ gây đổ vỡ nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh – ông Andrew Bailey – thừa nhận, đây không phải là tình thế tốt để tăng lãi suất, đấm thêm một cú vào các doanh nghiệp và hộ gia đình đang vật lộn với chi phí tăng cao do lạm phát.

Dẫu vậy, cơ quan này vẫn buộc phải thắt chặt tiền tệ nếu không lượng thanh khoản dư thừa trong nền kinh tế có thể còn làm lạm phát tồi tệ hơn. Ngân hàng Trung ương Anh dự đoán quý IV/2022 và quý I/2023 nước Anh có thể lâm vào tăng trưởng GDP thực âm, đủ yếu tố để kết luận nền kinh tế đi vào suy thoái.

Các thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ Anh thừa nhận họ “không thể tránh được” việc các hộ gia đình tại quốc gia này sẽ gặp khó khăn do lạm phát và lãi suất tăng.

Vai trò của Ngân hàng Trung ương Anh là đảm bảo lạm phát giảm xuống mức 2% một cách bền vững trong trung hạn. Nhưng họ đang gặp bài toán rất khó là ctăng lãi suất để tiếp tục siết lại chính sách tiền tệ nới lỏng đã quá lâu mà không đẩy kinh tế vào suy thoái.

Dự đoán, tăng trưởng GDP thực sẽ giảm 1% trong quý IV/2022 nếu giá năng lượng tăng thêm 40% như một số tổ chức dự đoán. Với kịch bản đó, lạm phát sẽ đạt hơn 10% vào quý IV/2022. Đây là mức cao nhất trong 40 năm và làm giảm thu nhập thực của các hộ gia đình, bởi vì lương sẽ không thể bắt kịp với mức lạm phát cao như vậy.

Nói về sự khó khăn của lựa chọn chính sách lúc này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ – bà Janet Yellen nói rằng, Fed cần cả tài năng lẫn may mắn để đạt được “hạ cánh mềm”. Còn Chủ tịch Fed – ông Jerome Powell thừa nhận, để đạt được “hạ cánh mềm nền kinh tế” là đầy thử thách và không dễ dàng. Kết quả phụ thuộc nhiều vào những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của chính Fed nhưng vẫn cần có động thái để đạt được điều đó.

Tờ Financial Times trích dẫn một chuyên gia đầu cơ trái phiếu bình luận: “Hãy tưởng tượng bạn đang ở trên một chiếc máy bay và cơ trưởng thông báo rằng chúng ta “có thể” được hạ cánh suôn sẻ. Với hành khách thì chắc chắn đây là một thông điệp đáng quan ngại”.

Ngày 15/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 0,75% để đối phó lạm phát tồi tệ nhất nhiều thập kỷ

Quá nhiều yếu tố bất định

Kinh tế thế giới đang đối mặt với một rủi ro kép gồm: suy thoái và lạm phát cao kéo dài.

Rủi ro “hạ cánh cứng” giữa làn sương mù của Ngân hàng Trung ương các thị trường Mỹ và châu Âu là có. Nếu nó diễn ra thì sẽ ảnh hưởng ra sao đến châu Á mà cụ thể là Việt Nam?

Đến lúc này, vẫn chưa có gì rõ ràng mặc dù đã có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Nhật, Hàn Quốc đã bắt đầu bị ảnh hưởng và một số nhà xuất khẩu ở châu Á đã cảm nhận được rủi ro cắt giảm đơn hàng xuất khẩu khi chỉ số sản xuất của Mỹ – ISM không lạc quan.

Hiện nay, có quá nhiều yếu tố bất định. Một, không ai biết các nền kinh tế lớn sẽ suy thoái hay chỉ tăng trưởng chậm lại. Hai, chiến tranh ở Ukraine và phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc không rõ sẽ kéo dài bao lâu, tương ứng không biết sẽ tác động đến nguồn cung hàng hóa cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào. Ba, liệu các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ – OPEC – có tăng sản lượng dầu để giảm bớt áp lực lạm phát toàn cầu, từ đó hạ bớt sức ép cho các Ngân hàng Trung ương lớn hay không?

Các dự đoán về thị trường lao động và chuỗi cung ứng sẽ trở lại bình thường trong năm 2022 cũng đang dần sai lệch ở các nền kinh tế phát triển. Nhiều thị trường ở Mỹ và châu Âu vẫn chật vật do thiếu lao động trong nhiều lĩnh vực, thiếu lương thực, chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn, nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu để sản xuất, thiếu lao động để vận hành. Giá cả tăng là hệ quả của những điều đó.

Trong tình trạng hiện tại, việc Ngân hàng Trung ương ở các nước phát triển phải tăng lãi suất hay thắt chặt tiền tệ là bắt buộc khi họ đã để chính sách tiền tệ quá nới lỏng trong giai đoạn dịch Covid-19 để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng tăng lãi suất quá mạnh cũng sẽ không giúp ích nhiều cho việc kiểm soát lạm phát trong tình trạng này.

Cùng lúc giải một bài toán ba mục tiêu: chống lạm phát, hạn chế vay nợ quá mức để đầu cơ tài sản, tránh suy thoái. Điều này là bất khả thi. Giết chết nền kinh tế bằng thắt chặt tín dụng quá mức sẽ không giải quyết được vấn đề lạm phát nhưng nó có thể kéo nền kinh tế đi vào suy thoái lâu dài và rất tốn kém để thoát ra.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : FEDlạm pháttăng lãi suất

Các tin liên quan đến bài viết