Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được ĐBQH bấm nút thông qua, nêu rõ trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Các đơn vị nghiêm túc thực hiện đúng quy định về tài liệu tham khảo, chống lãng phí.
Theo Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học, triển khai có hiệu quả, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt là môn học Lịch sử. Nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và ĐBQH về môn học Lịch sử là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục THPT; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, mục tiêu điều tiết về giá sách giáo khoa theo quy định hiện hành không thực sự hiệu quả, đòi hỏi có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội và công bằng giữa các nhà xuất bản. Vì vậy, sửa đổi Luật giá là vấn đề cần đặt ra.
Trước đó, trả lời chất vấn ĐBQH, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, giá sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, cho nên quyền quyết định giá là của các nhà sản xuất ra sách giáo khoa.
Trên cơ sở đó, người mua sẽ lựa chọn để mua sách ở những chỗ nào chất lượng tốt nhất và giá rẻ nhất, trên tinh thần là phải minh bạch, phải niêm yết một cách công khai. Nhà nước chỉ thẩm định giá đối với những loại sách và những sản phẩm được mua bằng ngân sách của Nhà nước, Bộ trưởng cho biết.
Còn Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là vấn đề “liên quan đến tất cả mọi nhà”. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ và Quốc hội nhằm có được 1 giải pháp ổn định và lâu dài cho vấn đề giá sách giáo khoa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD-ĐT đang tích cực biên soạn 1 thông tư mới về vấn đề quy cách, quy chuẩn của sách cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, góp phần tác động vào giá sách và Bộ “sẽ cố gắng làm thật nhanh”. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp cần phải tiết giảm chi phí, tiết kiệm, giảm các khâu trung gian, giảm chi phí phát hành và thực hiện các cạnh tranh lành mạnh.
Hiện có 7 nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa. Theo Bộ GD-ĐT, việc các nhà xuất bản kê khai giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.
Bộ GD-ĐT kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định. Khi đó, Nhà nước quy định mức trần giá sách giáo khoa trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí tiêu chuẩn bộ sách và đơn giá hiện hành để đảm bảo các nhà xuất bản vẫn bù đắp được chi phí, có lợi nhuận hợp lý và giá sách phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Hiện nay Luật Giá đang sửa theo lộ trình, các kỳ họp tới sẽ tiến hành bàn về Luật Giá trong nhiệm kỳ này.
Nguồn: vietnamnet