Trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay, phần lớn các ca bệnh tập trung tại châu Âu, giữa những cặp đôi có tiếp xúc gần gũi.
Những ngày gần đây, các nhà khoa học cho biết đã phát hiện DNA của virus đậu mùa khỉ trong tinh dịch của một số bệnh nhân ở Italy và Đức. Trong đó có cả mẫu cho thấy virus trong tinh dịch có khả năng lây nhiễm sang người khác và tái tạo.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Catherine Smallwood, đại diện của WHO châu Âu trong mảng bệnh đậu mùa khỉ thông tin, chưa rõ liệu virus đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục hay không. “Đây có thể là điều mà chúng ta chưa biết về căn bệnh này.
Chúng ta thực sự cần phải tập trung tìm hiểu về cách thức lây truyền phổ biến nhất. Rõ ràng có liên quan đến sự tiếp xúc giữa da với da”, Tiến sĩ Smallwood nói.
Kể từ đầu tháng 5 tới nay, đã có hơn 1.600 trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ được ghi nhận ở gần 40 quốc gia.
Sự bùng phát gây ra mối lo ngại vì virus trên hiếm khi xuất hiện bên ngoài châu Phi và phần lớn các ca bệnh ở châu Âu không liên quan đến việc du lịch đến lục địa này.
Khi dịch lan rộng, WHO khuyến nghị tiêm vắc xin cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, bao gồm cả nhân viên y tế.
WHO sẽ triệu tập một ủy ban khẩn cấp vào tuần sau để đánh giá đợt bùng phát đậu mùa khỉ có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không.
Đó là mức cảnh báo cao nhất do WHO đưa ra, áp dụng cho đại dịch Covid-19 và bệnh bại liệt.
Đậu mùa khỉ là dịch bệnh lưu hành ở một số nước của châu Phi. Nhưng trong hơn 1 tháng qua, số ca mắc tăng lên ở nhiều nước khác. Virus này gây ra triệu chứng giống như bệnh cúm và tổn thương trên da, lây lan khi tiếp xúc gần.
Theo WHO, tỷ lệ tử vong khoảng 3-6% tổng số bệnh nhân. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào bên ngoài châu Phi. Phần lớn số người chết trong năm nay ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng đã đến lúc xem xét đẩy mạnh ứng phó vì virus gây bệnh đậu mùa khỉ đang hoạt động bất thường, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng hơn và cần có sự phối hợp quốc tế.
Nguồn: vietnamnet