Sai này nối tiếp sai kia, sau 14 năm, khu “đất vàng” rộng 12 hecta với 4 mặt tiền ở Khu kinh tế Dung Quất vẫn là bãi đất hoang, trở thành nơi đổ chất thải và chăn nuôi của người dân…
Dự án chậm tiến độ, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi (Ban quản lý) thu hồi quyết định chủ trương đầu tư nhưng “quên” thu hồi quyết định cho thuê đất. Đã vậy, Ban quản lý còn đứng ra làm trung gian cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đứng ra làm trung gian chuyển nhượng
Năm 2008, Ban quản lý cấp chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Eastar KIC Việt Nam (Công ty KIC) đầu tư dự án Nhà máy Eastar KIC Việt Nam. Cuối năm 2009, Ban quản lý ban hành quyết định giao hơn 12 ha đất tại Khu kinh tế Dung Quất cho Công ty KIC thuê với thời hạn 69 năm. Năm 2011, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà đầu tư nộp đủ 9,1 tỉ đồng tiền thuê đất theo hình thức trả tiền một lần.
Sau 3 lần gia hạn, Công ty KIC vẫn không đảm bảo tiến độ triển khai dự án vì chỉ hoàn thành san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào rồi… để đó. Năm 2015, Ban quản lý ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Thế nhưng, Ban quản lý lại “quên” thu hồi quyết định giao đất, để Công ty KIC thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho Công ty Pields Engineering Hàn Quốc (Công ty Pields). Năm 2016, Ban quản lý ra công văn giới thiệu địa điểm cho Công ty Pields đầu tư dự án nhà máy sản xuất nhựa đường.
Năm 2017, Công ty KIC và Công ty Pields ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Dù các bên chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, Ban quản lý đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Pields.
Lân này, Công ty Pields cũng không triển khai dự án nên vào năm 2018 Ban quản lý ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án.
Nối tiếp sai lầm, năm 2019 Ban quản lý lại làm trung gian tổ chức buổi làm việc và có văn bản cho Công ty KIC chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất cho Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi (Công ty Hào Hưng). Trên cơ sở đó, Công ty Hào Hưng đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thanh toán số tiền 15,4 tỉ đồng cho Công ty KIC.
Đồng thời, Ban quản lý ra văn bản đồng ý nguyên tắc để Công ty Hào Hưng nghiên cứu thực hiện dự án nhà xưởng và kho bãi công nghiệp. Sau đó, Công ty Hào Hưng có văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà máy chế biến gỗ. Tuy nhiên, do Công ty Hào Hưng trình dự án không đúng như giới thiệu ban đầu nên Ban quản lý không đồng ý, đồng thời có báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.
Với những sai phạm trên cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lạm quyền trong khi thi hành công vụ đối với tổ chức, cá nhân liên quan.
Luật sư TRẦN DUYÊN
Chật vật thu hồi
Dự án của Công ty KIC thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điều 64 Luật đất đai năm 2013, nhưng Ban quản lý không thu hồi mà đứng ra làm trung gian cho doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn đến nhiều hệ lụy đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi cũng có thông báo nêu rõ việc Ban quản lý đồng ý cho Công ty KIC chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Pields khi chưa hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là trái quy định pháp luật.
Ngoài ra, kết luận thanh tra còn nêu: “Việc tiếp tục chủ trì, làm việc với Công ty KIC và Công ty Hào Hưng để thống nhất cho hai bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là không đúng quy định của pháp luật về Luật đất đai, Luật đầu tư. Có dấu hiệu của việc thiếu trách nhiệm trong quản lý dự án đầu tư”.
Để tháo gỡ những tồn tại và vướng mắc, mới đây ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, chủ trì buổi làm việc với Công ty KIC. Tại buổi làm việc, đại diện Công ty KIC cho rằng công ty không nắm bắt hết pháp luật Việt Nam và do được Ban quản lý cho phép nên mới thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Công ty KIC mong muốn được hoàn lại một phần chi phí trong số 9 tỉ đồng tiền thuê đất, 40 tỉ đồng xây dựng hạ tầng, mua sắm máy móc thiết bị… Đề xuất này bị bác bỏ bởi việc Nhà nước hoàn trả tiền không có trong quy định của pháp luật.
Thêm vướng mắc trong quá trình thu hồi là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty KIC và Công ty Hòa Hưng được Ban quản lý đồng ý. Công ty Hào Hưng đã chuyển hơn 15,4 tỉ đồng cho Công ty KIC và hợp đồng chuyển nhượng này đã được công chứng.
Với những sai lầm nối tiếp, việc thu hồi “đất vàng” ở khu kinh tế Dung Quất hiện rất nan giải.
Cần truy cứu trách nhiệm
Luật sư Trần Duyên (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng ngoài các sai phạm được Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra thì Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi còn có dấu hiệu sai phạm liên quan đến vấn đề gia hạn thời hạn thực hiện, khi liên tiếp ký 3 quyết định gia hạn cho Công ty KIC. Ban quản lý còn thiếu quyết liệt, chậm trễ trong việc quyết định chấm dứt dự án.
Ngoài ra, Ban quản lý còn để xảy ra nhiều cái sai khác như: thực hiện các thủ tục hành chính để Công ty KIC chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau thời gian nghị định 01 năm 2017 có hiệu lực hoặc việc chậm đưa đất vào sử dụng cũng là sai.
“Với những sai phạm trên cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lạm quyền trong khi thi hành công vụ đối với tổ chức, cá nhân liên quan”, luật sư Duyên nêu quan điểm.
Với việc thu hồi đất, luật sư Duyên cho rằng, theo Luật đất đai năm 2013, về nguyên tắc Công ty KIC vẫn là chủ thể sử dụng đất vì chưa chuyển quyền sử dụng đất. Cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có cơ sở để tiến hành các thủ tục thu hồi đất của công ty này.
“Đối với giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty KIC và Công ty Hào Hưng thì Công ty Hào Hưng vẫn có thể bảo đảm quyền lợi bằng cách yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng và buộc Công ty KIC bồi thường theo quy định của pháp luật”, luật sư Duyên nói.
Nguồn: tuoitre.vn