Đã gần 2 năm đi vào hoạt động (tháng 10-2020) nhưng bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn đìu hiu. Lượng khách đến đây mỗi ngày chỉ có vài chục lượt.
Nhiều người dân thắc mắc vì sao có cảnh vắng vẻ như vậy và làm cách nào để có thể khai thác hiệu quả, tránh lãnh phí?
Dằng dai giữa bến xe Miền Đông cũ, mới
Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới có diện tích hơn 16 hecta, rộng gấp ba lần so với BXMĐ cũ, quận Bình Thạnh. Đây là bến xe có quy mô lớn nhất nước và được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại.
Theo tính toán của nhà đầu tư, đến tháng 1-2021, khi người dân quen dần với việc đi đến bến xe mới thì lượng xe và khách tại đây sẽ ổn định. Tuy nhiên, hiện tại khung cảnh đìu hiu lại diễn ra mỗi ngày. Trong khi đó, tại BXMĐ cũ, lượng khách vẫn được duy trì khá đông.
Dù đã có quy định, các tuyến cố định đi từ BXMĐ cũ đến các bến xe từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc phải di dời sang BXMĐ mới (từ tháng 3-2021) nhưng hiện tại nhiều nhà xe vẫn hẹn và đón khách tại BXMĐ cũ. Như nhà xe L.T. có lộ trình từ TP.HCM đến Quảng Bình cho biết “vẫn nhận đón khách tại BXMĐ cũ!”.
Trong khi đó, chị Na (24 tuổi, quê Quảng Trị) cũng cho rằng để đi ra BXMĐ mới rất bất tiện vì đi taxi thì mất nhiều tiền, còn đi xe buýt thì không thể vì đồ đạc lỉnh kỉnh lại có con nhỏ. Do đó chị Na thường liên hệ với các hãng xe quen vì họ có xe đưa rước khách tận nhà.
“Người quê ở xa như tôi, thông thường một năm chỉ về nhà một hoặc hai lần. Ai không quen đi xe thì họ chọn máy bay cả chứ ra tới BXMĐ mới vừa xa, vừa bất tiện”, chị Na nói.
Không ít chuyên gia, chủ các hãng xe cho rằng sở dĩ BXMĐ mới vắng khách là do việc di dời bến xe cũ chưa hoàn thiện, người dân vẫn có thể đến BXMĐ cũ để đi lại. Đồng thời, hạ tầng, dịch vụ giao thông công cộng đến bến xe mới vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, hiện xe dù, bến cóc, các bến xe tư nhân vẫn hoạt động nhộn nhịp, người dân đi lại được đưa đón tận nhà nên không có nhu cầu đến bến xe.
Chưa kết nối giao thông
Theo quy hoạch, các tuyến đường lân cận kết nối với BXMĐ mới sẽ được mở rộng, hoàn thành cùng lúc đưa bến xe mới vào hoạt động. Đồng thời, hầm chui, cầu vượt trước bến và tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đưa vào hoạt động sẽ tăng tính kết nối khu vực này. Tuy nhiên, hiện tại các công trình cầu vượt, hầm chui để qua lại hai bên đường vẫn chưa có.
Do đó, muốn đi từ cổng trước bến này về phía trung tâm TP, xe cộ buộc phải chạy đến nút giao Tân Vạn cách đó khoảng 2km để quay đầu hoặc phải vòng ra phía sau bến rồi đi đường Hoàng Hữu Nam cũng dài hơn 1km.
Theo đại diện BXMĐ, hiện tại hai bến cũ và mới vẫn đang trong quá trình di dời thuộc giai đoạn 1. Còn các bước tiếp theo vẫn đang khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng để thực hiện. Về vấn đề các tuyến xe từ Quảng Trị trở ra Bắc vẫn nhận đón khách tại BXMĐ cũ, vị này cho biết lúc đầu bến xe có hỗ trợ một thời gian cho các xe thuộc tuyến này đón khách ở bến cũ.
“Hiện tại, chúng tôi không cho phép hoạt động đón khách (thuộc các tuyến đã di dời) trực tiếp tại bến cũ như trước, trừ các trường hợp xe trung chuyển. Tuy nhiên vẫn có một số nhà xe cố tình hẹn khách ở một vài điểm lân cận bến.
Để di dời hai bến này chuyển sang các giai đoạn kế tiếp, chúng ta cần phải có kết nối đồng bộ hệ thống giao thông, như tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Đến thời điểm hiện tại chưa có thông tin chính thức về thời gian di dời. Bến xe vẫn đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan để đánh giá, kiến nghị các phương án di dời”, vị đại diện BXMĐ cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 14-6 về việc di dời BXMĐ cũ sang mới, ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết sở chỉ quản lý nhà nước, còn thực chất việc di dời còn rất nhiều yếu tố và thuộc về đơn vị chủ đầu tư. Riêng đối với vấn đề nhiều tuyến xe đã di dời nhưng vẫn đón khách dọc đường, ông Hưng khẳng định là sai.
“Sở sẽ chỉ đạo lực lượng thanh tra kiểm tra và xử lý việc này. Ngoài ra đối với các vị trí cụ thể sở sẽ đề nghị công an và chính quyền địa phương vào cuộc xử lý”, ông Hưng nói thêm.
Hơn 60 khách/ngày
Theo số liệu thống kê từ ngày 1 đến 12-6, mỗi ngày tại BXMĐ cũ có 12.886 hành khách và 781 xe xuất bến, con số này tăng mạnh và đột biến vào các dịp lễ, tết. Trong khi đó, tại BXMĐ mới, mỗi ngày chỉ có 65 hành khách và khoảng 9 xe xuất bến.
Theo quy hoạch đã được UBND TP.HCM phê duyệt vào năm 2014, khoảng 50% diện tích BXMĐ cũ sẽ dành làm bến bãi xe buýt và các dịch vụ đậu xe, 50% diện tích còn lại làm khu phức hợp trung tâm thương mại, cao ốc.
Tuy nhiên, cuối năm 2016, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu sử dụng mặt bằng BXMĐ cũ làm bến bãi công cộng cho xe buýt. UBND TP.HCM sau đó giao Sở GTVT phối hợp Samco và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, xác định phương án sử dụng đất BXMĐ cũ sau khi di dời bến xe.
Nguồn: tuoitre.vn