Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 78/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 120/2007/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên và có hiệu lực thi hành từ ngày 20-8-2017. Nghị định số 78/2017/NĐ-CP quy định rất cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác thanh niên. Đặc biệt, nghị định còn quy định cụ thể hằng năm, bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải đối thoại với thanh niên. Nội dung quy định này như sau:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ sau: Ban hành và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên của ngành, lĩnh vực hằng năm và từng giai đoạn; tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên thuộc chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; lồng ghép chính sách phát triển thanh niên khi xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của ngành, lĩnh vực hằng năm và từng giai đoạn.
Đoàn viên phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh năm 2015 – Ảnh: T.Thủy
Hằng năm, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm gặp gỡ, đối thoại với thanh niên, tham vấn ý kiến của thanh niên về các vấn đề có liên quan đối với thanh niên; Hướng dẫn các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên thuộc thẩm quyền quản lý của ngành, lĩnh vực. Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên và việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên về Bộ Nội vụ trước ngày 15-12 hằng năm để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
TRÁCH NHIỆM CỦA HĐND VÀ UBND CÁC CẤP
Đối với HĐND cấp tỉnh: Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương ban hành nghị quyết về phát triển thanh niên trên địa bàn nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên. Quyết định phân bổ dự toán kinh phí xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, đề án, dự án phát triển thanh niên tại địa phương. Giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên tại địa phương.
UBND cấp tỉnh: Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên và các văn bản hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền về công tác thanh niên tại địa phương. Xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển thanh niên ở địa phương; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên tại địa phương. Xây dựng quy hoạch về đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục, y tế, tư vấn sức khỏe, cơ sở hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho các đối tượng thanh thiếu niên phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện; Xây dựng dữ liệu thống kê về thanh niên Việt Nam tại địa phương;
Hằng năm, chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm định kỳ gặp gỡ, đối thoại với thanh niên, tham vấn ý kiến của thanh niên về các vấn đề có liên quan cần giải quyết đối với thanh niên; Lồng ghép chính sách phát triển thanh niên khi xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương hằng năm và từng giai đoạn. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên tại địa phương. Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên và việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên về Bộ Nội vụ trước ngày 15-12 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
HĐND, UBND cấp huyện; HĐND, UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên theo phân cấp ủy quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nguồn Báo Bình Phước