Chuyện không mới?
Tháng 9/2019, nhiều bệnh viện ở Đồng Nai, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu “kêu cứu” vì thiếu dung dịch cao phân tử điều trị sốt xuất huyết. Thời điểm đó, đơn vị nhập khẩu phản hồi với các bệnh viện, họ không thể cung cấp thuốc do hết hạn đăng ký visa.
Các bệnh viện tuyến dưới phải mượn hoặc mua lại dịch truyền của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM để cứu người bị sốt xuất huyết nặng.
Tháng 6/2022, dịch sốt xuất huyết ngấp nghé bùng phát với 36 người tử vong, tập trung ở các tỉnh phía Nam. Dung dịch cao phân tử lại thiếu và thực tế đã thiếu trong 2 năm (2021, 2022). Tình trạng này xảy ra trên toàn quốc.
Theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sốc sốt xuất huyết nặng được truyền dung dịch cao phân tử gồm Dextran 40, Dextran 70, HES 200.000 dalton. Nhưng 3 loại dịch truyền trên đều khan hiếm. Bộ Y tế cho phép cơ sở y tế sử dụng HES 130.000 dalton để thay thế.
Nhiều bác sĩ khẳng định, HES 130.000 không thể hiệu quả bằng Dextran 40, 70 và HES 200.000. Dù vậy, họ không còn phương án khác.
Tại Đồng Nai – điểm nóng của sốt xuất huyết hiện đã ghi nhận 5 ca tử vong, chỉ sau Bình Dương và TP.HCM.
Ngày 14/6, Bệnh viện Nhi Đồng Nai đang điều trị cho 130 bệnh nhi sốt xuất huyết với 30 ca sốc, tụt huyết áp. “Rất căng thẳng”, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc bệnh viện nói.
Từ nhiều tháng trước, các bác sĩ đã được đào tạo sử dụng dung dịch HES 130.000 thay cho cao phân tử quen thuộc. Bên cạnh đó, phải kết hợp thêm albumin hoặc kỹ thuật khác để bệnh nhân được điều trị tốt nhất trong hoàn cảnh thiếu thuốc.
“Tạm thời chúng tôi vẫn kiểm soát được tình hình, cố gắng hết sức, nhưng đúng là bác sĩ điều trị phải vất vả hơn trước”, bác sĩ Nghĩa nói.
Tại TP.HCM, nhiều bệnh viện cũng đều dùng HES 130.000 dalton cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết. Dược sĩ Lê Phước Thành Nhân, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho hay, thuốc đã cạn nguồn cung ứng 2 năm qua. Mới đây, bệnh viện còn phải tiêu hủy vài chục chai Dextran 40 vì hết hạn sử dụng.
“Khi có thuốc thì không có người bệnh sốt xuất huyết nặng, thuốc bỏ không. Khi dịch bùng phát, thuốc lại khan hiếm. Sở Y tế TP.HCM đã đăng ký mua Dextran 40 cho các bệnh viện nhưng phải chờ đặt hàng từ 6-8 tháng để đơn vị sản xuất cung ứng”, bác sĩ chia sẻ.
Cần thiết lập kho thuốc chống dịch?
TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ khó khăn của các bệnh viện trong tình cảnh thiếu dịch truyền hiện tại. Ông cho rằng, dung dịch HES 130.000 dalton đang dùng khó có thể đảm bảo hiệu quả như các cao phân tử cũ (Destran 40, 70, HES 200.000), nhưng đây là tình thế bắt buộc.
Hiện nay, chỉ có Thái Lan sản xuất dung dịch cao phân tử Dextran 40, 70. Thời gian từ đặt hàng đến cung ứng kéo dài, sớm nhất tháng 12/2022 mới có thể có thuốc.
Điểm khó là, dịch truyền này chỉ dùng riêng cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, không thể điều chuyển điều trị bệnh lý khác. Hạn sử dụng ngắn, khi không có bệnh nhân nặng cần dùng, sẽ phải tiêu hủy thuốc vì hết hạn.
Một chuyên gia hồi sức nhi đề xuất, nên tính toán cơ chế đặc biệt với dung dịch cao phân tử này. Ví dụ, mua thuốc với mục tiêu chống dịch rồi xây dựng một kho thuốc chống dịch chung cho các cơ sở y tế. Thay vì hiện nay, bệnh viện phụ thuộc vào các công ty nhập khẩu, tốn thời gian đặt hàng nhưng công ty không mặn mà. Họ lo ngại, nếu hết dịch thuốc bị dồn ứ thì tất nhiên, sẽ lỗ.
Dược sĩ Lê Phước Thành Nhân, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đồng thuận với đề xuất trên. Thế nhưng ông cho rằng, cần làm rõ, khi thuốc trong kho điều phối này hết hạn thì ai chịu trách nhiệm hay nên xem đó là quỹ rủi ro.
“Quan trọng hơn, về lâu dài cần tính đến cơ chế thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhập khẩu các loại thuốc mang tính cấp cứu trên. Nếu không có ưu tiên, họ cũng không có lý do gì phải nhập thuốc về khi rất dễ phải đổ bỏ”, ông Nhân nói.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 14/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý dược giải quyết khẩn trương việc mua thuốc, dịch truyền cung cấp cho các tỉnh thành. Bà cũng đồng ý thành lập Ban chuyên môn kỹ thuật phòng chống Sốt xuất huyết khu vực phía Nam.
Hiện nay, khu vực phía Nam đã ghi nhận 39.317 trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện, 36 trường hợp tử vong, tỷ lệ trẻ em tử vong cao hơn mọi năm.
Nguồn: vietnamnet