Các thách thức toàn cầu hiện nay đang đòi hỏi thế giới phải đi trên con đường phát triển bền vững và phải… đi nhanh. Nhưng muốn vậy cần phải hợp tác hành động trong một quyết tâm thực sự mạnh mẽ.
Thế giới đã từng có nhiều phát minh làm thay đổi cuộc sống nhưng mọi người dường như vẫn đang e dè khi nghĩ đến những ý tưởng đột phá để phát triển bền vững.
“Chúng ta đang hướng tới một thế giới mà phát triển kinh tế và tính bền vững có thể song hành. Việc này đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người. Không thách thức nào là bất khả thi. Chẳng hạn, các bạn đã biết những sáng tạo của Thụy Điển như Skype, Spotify hay dây an toàn ba điểm trên xe hơi.
Nhưng các bạn đã nghe về thép không dùng nhiên liệu hóa thạch, những tòa nhà cao tầng bằng gỗ hay việc chuyển đổi vật chất hữu cơ thành vật liệu có thể thay thế nhựa?”, đại sứ Thụy Điển Ann Mawe đã nói như vậy trong chương trình Tiên phong đột phá tổ chức hôm 3-6 tại TP.HCM. Thụy Điển là một trong những nước đi đầu thế giới về đổi mới và phát triển bền vững.
Đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh sẽ có lợi về lâu dài và Việt Nam đã cho thấy sự thích ứng rất sớm, chẳng hạn như về năng lượng tái tạo. Việt Nam đã có quyết định đúng đắn khi đặt ra mục tiêu chuyển đổi vào năm 2050.
Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe nhận định
Không cần ý tưởng quá lớn
Chương trình Tiên phong đột phá chia sẻ những câu chuyện cụ thể về sản xuất thép không dùng nhiên liệu hóa thạch, mạng 5G cho đến những ý tưởng gần gũi như tái chế quần áo, bao bì.
“Nền kinh tế cũ, thụ động, phát triển nhờ giá đất rẻ, lao động, tài nguyên thiên nhiên, trong khi nền kinh tế mới của tương lai, kinh tế kỹ thuật số sẽ có động lực là khoa học, công nghệ và sáng tạo” – ông Dennis Brunetti, chủ tịch Ericsson Việt Nam, nhận định.
Cho rằng dữ liệu sẽ là “nhiên liệu” cho động cơ phát triển kinh tế trong tương lai, theo ông Brunetti, mạng 5G sẽ thúc đẩy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất, năng lượng cho đến giao thông, hậu cần, giáo dục… Tại hội thảo, Công ty H2 Green Steel cũng trình bày tham vọng thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng hydrogen xanh trong luyện thép vào năm 2024.
Phát triển bền vững còn đến từ đổi mới trong các lĩnh vực truyền thống như năng lượng, phát triển mạng lưới điện thông minh, sản xuất bền vững với nguồn nguyên liệu mới hoặc tái chế.
Chẳng hạn Hãng thời trang H&M có các chương trình tái chế quần áo, tìm các nguyên liệu thân thiện với môi trường, Công ty bao bì Tetra Pak sử dụng ứng dụng di động thu gom bao bì cũ. Nhiều hoạt động trong số này đang được triển khai ở Việt Nam.
Nhiều công ty cho biết tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng không kém sản xuất trong phát triển bền vững. Điều này cần có các hành động như giáo dục trẻ em về tái chế, thu phí các bao bì không phân hủy… Đa số cho rằng phát triển bền vững cần có sự kiên định, bắt đầu từ những điều nhỏ và quan trọng hơn, cần có sự phối hợp hệ thống để thực hiện ở quy mô lớn.
Hành động quyết liệt
“Về phát triển bền vững, chúng tôi rất ấn tượng những cam kết gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu – COP26). Vì vậy, chúng tôi xem Việt Nam là đối tác quan trọng”, bà Mawe nói và cho biết bà đã thấy những điểm chung về tầm nhìn phát triển bền vững giữa hai nước.
Theo bà Mawe, từ chương trình Tiên phong đột phá, Thụy Điển sẽ tiếp tục trao đổi và tăng cường hợp tác với Việt Nam. “Việt Nam đã cho thấy khả năng phát triển rất vượt bậc, nhanh hơn sự phát triển trước đây của Thụy Điển”, bà Mawe nói.
Tuy nhiên, mục tiêu lớn đòi hỏi phải có sự tham gia từ các ngành công nghiệp, người dân trong nước cho đến sự hỗ trợ bên ngoài về tài chính, mô hình, công nghệ. “Tại Thụy Điển, các ngành công nghiệp là mũi tàu của chuyển đổi xanh. Chúng tôi cũng đầu tư rất nhiều vào các quỹ khí hậu, ngân hàng phát triển…”, bà nói thêm.
“Tôi nghĩ Việt Nam và Thụy Điển có điểm chung khi nói về việc triển khai những quyết định chính trị cấp cao. Tôi tin Việt Nam sẽ thực hiện được những gì đã xác định – đại sứ Thụy Điển nói – Tôi tin quá trình chuyển đổi xanh này không chỉ từ trên xuống mà còn từ dưới lên, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, học giả, sinh viên và người dân nói chung để thay đổi xu hướng tiêu dùng… và điều này thực tế đã bắt đầu diễn ra”.
Theo đại sứ Thụy Điển, muốn đạt được cam kết tại COP26, Việt Nam và ngành công nghiệp cần xem xét các lĩnh vực để xác định lộ trình cụ thể. Như với Thụy Điển, chính phủ và các ngành công nghiệp đã lập ra 22 lộ trình xóa bỏ năng lượng hóa thạch cho từng lĩnh vực như xây dựng, giao thông…
“Thế giới đang tràn ngập các giải pháp sáng tạo. Đã đến lúc khai phá chúng, thực hiện những ý tưởng sắc bén, đã đến lúc xắn tay áo và cùng nhau mở những con đường mới”, ban tổ chức chương trình Tiên phong đột phá kêu gọi.
“Về phát triển bền vững, tôi tin năng lượng sẽ là vấn đề mấu chốt. Các công ty quốc tế đầu tư vào Việt Nam sẽ xem xét kỹ liệu Việt Nam có nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo hay không, bởi nếu họ muốn sản xuất tại đây họ sẽ phải thực hiện các mục tiêu về phát thải CO2.
Điều mấu chốt là phải tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, xóa bỏ năng lượng than, tạo việc làm cho những người bị thất nghiệp trong quá trình chuyển đổi và nâng cấp hệ thống điện để phù hợp với nguồn năng lượng mới”, bà Mawe gợi ý.
Một trong những đột phá mà Thụy Điển đã thực hiện được là xây dựng tòa nhà bằng gỗ cao nhất thế giới Sara Cultural Centre, hoàn thành năm 2021. Tòa nhà nằm tại thành phố Skellefteå, nơi đã có nhiều công trình bằng gỗ như trường học, cầu và thậm chí bãi đậu xe hơi nhiều tầng cũng bằng gỗ.
“Khi tôi nhìn thấy đề xuất, tôi không nghĩ có thể xây dựng được. Tòa nhà gỗ cao 20 tầng? Ở Skellefteå?” – thị trưởng Lorents Burman nói với báo Guardian (Anh). Công nghệ hóa ra đơn giản một cách đáng ngạc nhiên khi họ sử dụng gỗ ghép với các thớ chạy cùng hướng giúp gỗ chịu được tải trọng còn lớn hơn cả thép, ximăng.
Gỗ được xếp chồng nhiều lớp theo các hướng cũng chắc chắn hơn. Công trình cũng tận dụng được ưu điểm của nhà gỗ là xây dựng nhanh, giảm khí thải và không còn tiếng ồn, bụi bặm.
Nguồn: tuoitre.vn