Bà Lý Hoàng Minh, Phó trưởng phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho khoảng gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với số tiền hưởng gần 14.475 tỉ đồng/tháng.
Mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng) cho thấy, lương hưu là mức thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống cho người hưởng.
Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu và trong 2 năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022.
Đối với người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 nếu sau khi được điều chỉnh tăng theo mức chung 7,4% nhưng mức lương hưu thuộc các trường hợp thấp thì tiếp tục được điều chỉnh (tăng thêm 200.000 đồng với những người có mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng, tăng lên 2,5 triệu đồng với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng).
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật BHXH, BHYT cũng đảm bảo quyền lợi cho người tham gia nói chung và người nghỉ hưu nói riêng. Hiện nay, theo quy định, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Từ thực trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện…
Bà Minh cho biết, việc đề xuất sửa đổi luật BHXH lần này đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động mong muốn được hưởng lương hưu và có thẻ BHYT để chăm lo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.
Đặc biệt, bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia BHXH khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình).
Đóng BHXH mức cao, thời gian dài sẽ hưởng lương hưu cao
Bà Lý Hoàng Minh chi biết, theo quy định hiện hành, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Như vậy, mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận mới mức đóng BHXH, thời gian đóng BHXH. Có nghĩa là mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, qua phản ánh của một số địa phương và qua kiểm tra tiền lương đóng BHXH tại một số đơn vị sử dụng lao động cho thấy vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chỉ xây dựng thang lương, bảng lương bằng mức thấp nhất để đóng BHXH cho người lao động hoặc một số doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận chỉ lấy tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng BHXH.
Để giải quyết tình trạng trên, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ như: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tiền lương tại doanh nghiệp; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về tiền lương, BHXH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu đúng, hiểu đủ quyền lợi của việc tham gia BHXH…
Nguồn: vietnamnet