Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ không gia hạn miễn trừ trừng phạt từ sau ngày 25-5 đối với việc thanh toán nợ nhà nước của Liên bang Nga đã đặt Matxcơva trước nguy cơ một vụ ‘vỡ nợ kỹ thuật’.

Nga đối phó nguy cơ vỡ nợ kỹ thuật - Ảnh 1.

Một khách bộ hành đi ngang phòng thu đổi ngoại tệ ở Matxcơva. Từ ngày 25-5, Hoa Kỳ ngăn các kênh cho phép Kremlin thanh toán nợ cho các trái chủ Mỹ

Như vậy, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC, thuộc Bộ Tài chính Mỹ) đã không gia hạn giấy phép miễn trừ trừng phạt Ngân hàng Trung ương Nga từ sau ngày 25-5.

Giấy phép này, được OFAC ban hành ngày 2-3, cho phép Matxcơva thanh toán các khoản vay ngoại hối từ nguồn dự trữ bị đóng băng thông qua các ngân hàng Mỹ và quốc tế và đã hết hạn ngày 25-5.

Nếu các khoản vay đến hạn mà không thể thanh toán, Nga chỉ có 30 ngày trước khi bị tuyên bố vỡ nợ. Các khoản thanh toán tiếp theo của Nga vào ngày 23 và 24-6.

“Vỡ nợ kỹ thuật” là gì?

Ông Adam Solowsky thuộc Công ty luật toàn cầu Reed Smith bình luận trên kênh CNBC (Mỹ): Vấn đề là Nga có công nhận bị vỡ nợ hay không, vì Matxcơva khẳng định nếu bị hạn chế thanh toán bằng ngoại tệ thì họ vẫn có thể trả nợ bằng rúp.

Thực tế, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng đã tuyên bố: “Nga sẽ không phá sản vì nợ công. Nếu giấy phép không được gia hạn và cơ sở hạ tầng phương Tây vận hành các hoạt động thanh toán bị chặn, Nga sẽ trả bằng rúp. Chúng tôi có tiền”.

Theo ông A.Siluanov, hiện nợ nước ngoài của Nga chiếm 14% GDP – một khoản mà ông Siluanov cho là khá thấp so với nhiều nước trên thế giới (có nước lên tới 100%, thậm chí 300% GDP).

Các chuyên gia tài chính gọi diễn tiến này là vụ “vỡ nợ kỹ thuật”.

Giáo sư Yuri Yudenkov thuộc khoa tài chính và ngân hàng tại RANEPA giải thích: “Trước đây, chúng tôi thanh toán không phải bằng rúp mà bằng USD được lưu giữ ở các nguồn khác và không bị Hoa Kỳ chặn. Bây giờ chúng tôi muốn tiếp tục thanh toán bằng rúp nhưng Hoa Kỳ không cho phép, họ muốn USD. Nhưng USD lại bị chặn.

Vì vậy, những gì sắp xảy ra không phải là một cuộc vỡ nợ theo nghĩa trực tiếp nhất của từ này. Đây là một cuộc vỡ nợ kỹ thuật”.

Đến nay, có vẻ Matxcơva cũng không quá lo âu vì vụ “vỡ nợ kỹ thuật”. Bà Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu thuộc Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) của Anh, cho rằng vì nợ của Nga ở mức thấp và thậm chí đang trên đà giảm ngay trước cuộc chiến tại Ukraine nên việc này “có thể không đặt ra vấn đề lớn đối với Nga”.

Trước đó, ngày 18-5, đề cập đến khả năng “vỡ nợ kỹ thuật” của Nga, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cũng thừa nhận bà không cho rằng vụ vỡ nợ này sẽ thay đổi đáng kể tình hình của Nga vì nước này cũng đã bị cắt khỏi thị trường vốn toàn cầu.

Tương tự, theo ông Vladimir Vasiliev – trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Hoa Kỳ và Canada, vấn đề thừa nhận phá sản chỉ quan trọng theo quan điểm đầu tư quốc tế: nếu một quốc gia phá sản và không trả được nợ công thì sức hấp dẫn đầu tư của quốc gia đó bằng 0.

Nhưng trong tình hình nước Nga đã nhận hơn 10.000 lệnh trừng phạt và quan hệ kinh tế, tài chính với phương Tây đã rạn nứt, vụ vỡ nợ kỹ thuật này chẳng cần phải “bi kịch hóa”.

“Chỉ là các chủ nợ phương Tây sẽ không nhận được tiền của họ” – Oleg Barabanov, giáo sư khoa quan hệ quốc tế của Đại học Kinh tế quốc gia, chỉ ra thêm.

Tiền lệ nguy hiểm

Động thái mới này của Washington hẳn nhiên để gây thêm sức ép với Matxcơva nhằm tác động vào cuộc chiến tại Ukraine.

Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về chủ quyền thị trường mới nổi tại Công ty BlueBay Asset Management (Anh), cho rằng “động thái đúng đắn của OFAC sẽ khiến Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ trong nhiều năm tới” và “Nga sẽ chỉ có thể thoát khỏi tình trạng vỡ nợ khi OFAC cho phép”.

Tuy nhiên, nhà bình luận chính trị – sử gia Nga Nikolai Starikov lại cho rằng động thái của Washington chỉ là “một màn phô trương” và Washington cần cường điệu thông tin để chứng tỏ sức mạnh của mình với thế giới và với Ukraine: chỉ hai tháng trừng phạt đã khiến Nga vỡ nợ!

Ông Vladimir Vasiliev lưu ý việc gây ra vụ “vỡ nợ kỹ thuật” này có thể tạo một tiền lệ nguy hiểm do ngày nay nhiều nước có nợ công lớn, bản thân Mỹ cũng đã vượt mốc 30.000 tỉ USD. Ông Vasiliev cảnh báo “nhiều nước phát triển có thể lâm vào tình cảnh này”.

Trước đó, các nhà đầu tư đã yêu cầu Chính phủ Mỹ gia hạn hiệu lực của giấy phép. Theo Hãng tin Bloomberg, Viện các công ty đầu tư (quản lý khoảng 31.000 tỉ USD ở Hoa Kỳ) xin gia hạn giấy phép thêm ba tháng. Họ chỉ ra việc không gia hạn sẽ gây hại cho các nhà đầu tư Mỹ chứ không phải Chính phủ Nga.

10.128

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine từ ngày 24-2 đã châm ngòi cho vô số quyết định trừng phạt của Mỹ và phương Tây chống lại Matxcơva.

Theo sơ kết của chủ tịch Duma (Hạ viện) Nga V.Volodi, tính đến ngày 8-5, Nga đã lãnh tới 10.128 lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, nhiều hơn bất cứ số lệnh trừng phạt mà bất kỳ quốc gia nào đã nhận trong toàn bộ lịch sử tồn tại các lệnh cấm vận này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bốNgaNgân hàng Trung ương NgaTài chính MỹVỡ nợ kỹ thuật

Các tin liên quan đến bài viết