Bà Nguyễn Thị Việt Nga cho hay lịch sử không phải cái ‘đông cứng, vô hồn’ và mục đích giáo dục không phải ‘thuộc làu làu như con vẹt rồi trả bài’ mà cần thay đổi cách đánh giá, tư duy tiếp cận khuyến khích học sinh có sự nhìn nhận, đánh giá.

Đừng nên đòi hỏi, kỳ vọng học sinh làu làu lịch sử như con vẹt rồi trả bài - Ảnh 1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội – nhấn mạnh đối với môn lịch sử hiện nay là cần khắc phục được những tồn tại, bất cập chứ không phải vấn đề là “môn bắt buộc hay tự chọn”.

Theo bà Nga, nhìn vào chương trình môn lịch sử từ THCS đến THPT hiện nay còn “quá ôm đồm” khi lượng kiến thức cung cấp cho học sinh “quá hàn lâm” và sách giáo khoa vẫn nặng về sự kiện, con số… dẫn đến học sinh không hào hứng tiếp thu.

Bà Nga cũng chỉ rõ đa phần giáo viên vẫn sử dụng phương pháp “dạy chay”, chỉ cung cấp kiến thức nói lại ở trong sách giáo khoa, trình bày sự kiện, con số. Kết cấu đề thi, cách đánh giá của môn lịch sử cũng rất “cũ kỹ”, theo kiểu đề bài ra đối chiếu với đáp án và lấy độ chính xác của con số, sự kiện để đánh giá.

“Do không có sự đổi mới, sáng tạo dẫn đến bộ môn này trở nên tẻ nhạt, chán ngán và các em học như một cái máy, con vẹt, mệt mỏi khi cứ phải cố gắng ghi nhớ sự kiện, con số”, bà Nga nêu.

Từ thực tế trên, bà Nga đề xuất sách giáo khoa cần phải biên soạn sao cho vẫn là chương trình, kiến thức lịch sử nhưng phải dựa trên đặc điểm tâm lý, lứa tuổi của học sinh để truyền tải kiến thức chứ không chỉ cung cấp kiến thức đơn thuần.

Bên cạnh việc cung cấp kiến thức đại cương, cần bớt đi những kiến thức hàn lâm và đừng nên đòi hỏi, kỳ vọng học sinh “làu làu lịch sử theo kiểu hàn lâm”.

Nữ đại biểu chỉ rõ: ngành giáo dục luôn hô hào đổi mới, lấy người học làm trung tâm nhưng với môn lịch sử hiện nay nhiều nơi vẫn dạy theo kiểu “nhồi sọ”, chỉ cung cấp lại kiến thức trong sách giáo khoa. Do đó, cần thay đổi, chuyển sang dạy học môn lịch sử bằng phương pháp truyền cảm hứng và sử dụng các biện pháp phụ trợ.

“Lịch sử không phải cái gì đó đông cứng, vô hồn và mục đích giáo dục lịch sử không phải để thuộc ‘làu làu như con vẹt rồi trả bài’ qua các bài thi mà phải thiên về giáo dục truyền thống, từ đó giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, ý thức công dân và hình thành phản ứng trước thời cuộc.

Do vậy, cần thay đổi cách đánh giá và cần có tư duy tiếp cận mới mẻ, khuyến khích các em có sự nhìn nhận, đánh giá chứ không phải chỉ thụ động tiếp thu, nhồi sọ”, bà Nga bày tỏ.

PGS.TS Vũ Quang Hiển – khoa lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội – cho rằng nếu các em không thích thì có “bắt học” môn sử cũng không được, nên vấn đề làm thế nào để học sinh ham học, thích học mới là cốt lõi.

Theo PGS Hiển, chương trình và sách giáo khoa mới đã có sự đổi mới căn bản về nội dung tư liệu, cơ chế sư phạm. Do đó, chính là đội ngũ giáo viên – những người trực tiếp giảng dạy môn sử cần thay đổi về phương pháp, nghệ thuật, kỹ thuật dạy để không còn là những người đọc, tóm tắt sách giáo khoa cho các em chép.

Đừng nên đòi hỏi, kỳ vọng học sinh làu làu lịch sử như con vẹt rồi trả bài - Ảnh 2.

Sách giáo khoa lớp 10, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Cần tinh giản chương trình, thay đổi tư duy dạy, thi môn sử

Cô Vũ Thị Kim Quy – giáo viên dạy lịch sử Trường Marie Curie Hà Nội – cho hay thay vì kiểu bám sát sách giáo khoa, học sinh phải học thuộc, ghi chép thì các giáo viên ở đây đã thay đổi cách dạy. Trong đó giáo viên tăng cường bài giảng qua slide thuyết trình, chiếu các đoạn phim ngắn về các sự kiện lịch sử… để học sinh dễ theo dõi và phát huy tính tích cực, cho học sinh tự trải nghiệm, từ đó hiểu về sự kiện và ý nghĩa của nó trong tiến trình lịch sử.

Bên cạnh đó, đề thi không ra theo kiểu đánh đố các năm hay bài tự luận bắt các em cặm cụi làm mà đánh giá bằng năng lực, các câu hỏi gợi mở và các bài tập có thể theo nhóm để nhập vai vào các nhân vật hoặc người sống vào thời kỳ lịch sử đó nhằm thể hiện quan điểm về sự kiện hay nhân vật.

Ngoài ra, các em có thể tìm hiểu thêm về các sự kiện lịch sử qua Internet, sách báo, đến các di sản, trò chuyện với nhân chứng… Nhờ vậy mà đa phần học sinh của trường đều yêu thích môn sử.

Thầy Hồ Như Hiển – giáo viên môn lịch sử Trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) – chỉ rõ cách dạy môn sử thời gian qua không phù hợp khiến cho học sinh cảm thấy nặng nề, thậm chí sợ. Do đó, ông tán thành yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra, đồng thời bổ sung đề xuất tinh giản dung lượng kiến thức.

Đối với giáo viên cũng cần thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức một chiều, nhồi nhét sang để học sinh được tự do bày tỏ ý kiến hay đa chiều, tạo sự tranh luận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa các video, hình ảnh vào bài giảng giúp phong phú, đa dạng hơn.

Ngoài ra, nên tổ chức cho học sinh có những buổi ngoại khóa, tham quan hiện trường lịch sử, gặp gỡ với các nhân chứng, bởi với lịch sử, việc học thực địa sẽ tốt hơn nhiều. Đồng thời, thay đổi kiểm tra đánh giá bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng số liệu, mốc thời gian.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bộ giáo dục và đào tạoDạy học môn lịch sửlịch sửmôn Lịch sử

Các tin liên quan đến bài viết