Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) bắt tay người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe tại hội nghị G20 vừa diễn ra ở Hamburg, Đức |
Theo báo India Times, cuộc tập trận hải quân Malabar 2017 có sự tham gia của khoảng 15 tàu chiến, 2 tàu ngầm và hàng chục máy bay chiến đấu, máy bay do thám vừa bắt đầu hôm nay (10-7) tại Vịnh Bengal. Một trong những mục tiêu chính của cuộc tập trận Malabar lần thứ 21 này là thao tác kỹ thuật “săn ngầm”. Quân đội Mỹ và Ấn Độ cũng đã điều động các máy bay tuần thám Poseidon-8 tham gia tập trận. Nhật Bản cũng huy động một chiến hạm mới có khả năng chở được 9 trực thăng với mục tiêu chính là chống tàu ngầm. Mục tiêu này được đưa ra tại cuộc tập trận Malabar trong bối cảnh Hải quân Ấn Độ đã ghi nhận có sự “gia tăng bất thường” về số lượng chiến hạm và tàu ngầm của Trung Quốc đi vào khu vực Ấn Độ Dương trong hai tháng qua.Thời gian qua, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cam kết tăng cường hợp tác về an ninh quốc phòng giữa hai nước. Cuộc tập trận Malabar là tín hiệu rõ ràng nhất của quan hệ hợp tác này. Tuần trước, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang (Cảnh Sảng) cho biết Bắc Kinh không phản đối quan hệ hợp tác giữa các nước, nhưng hy vọng cuộc tập trận chung giữa hải quân ba nước Mỹ, Nhật, Ấn không có mục đích nhằm vào các quốc gia khác. Lâu nay Bắc Kinh vẫn cho rằng mục tiêu của cuộc tập trận Malabar là nhằm kiểm soát những nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một số cơ quan truyền thông quốc tế cũng đưa tin Trung Quốc đã điều tàu do thám Haiwang Xiang tới theo dõi cuộc tập trận Malabar. Theo báo Indian Times, cuộc tập trận Malabar thường niên bắt đầu từ năm 1992, khởi đầu với sự tham gia của hải quân Mỹ và Ấn Độ. Trong khoảng mười năm trở lại đây hải quân Nhật cũng trở thành một thành viên và kể từ 2007, Nhật Bản đã tham gia nhiều cuộc tập trận Malabar. Tháng 6 năm ngoái, ba nước đã tổ chức cuộc tập trận Malabar quy mô lớn kỷ lục với 11 tàu chiến và 8.000 quân nhân.