Nhớ hồi còn học cấp hai, khi tôi vui vẻ về nhà sung sướng chạy đến khoe bố về điểm kiểm tra môn toán đứng top đầu lớp. Bố tôi đáp lại sự hào hứng của tôi bằng câu nói: “Thế không đứng đầu à? Không được 10 à? Thế thì nói làm gì”…

Bàng hoàng, thất vọng… đó là cái cảm giác mà tôi phải trải qua suốt những năm tháng tuổi học trò ấy; lúc đó, sự sung sướng của tôi đã tan vào cát bụi, tôi buồn bã và bực bội đi lên phòng, đóng sầm cánh cửa lại và chỉ muốn xé nát bét cái bài kiểm tra của mình đi mà thôi. Tại sao sự nỗ lực, cố gắng của mình suốt cả một học kì không được công nhận dù chỉ qua một nụ cười hay một câu nói? Sau hôm đó, tôi đã không còn chia sẻ với bố mẹ những con điểm trên giấy tờ đó nữa.

Vào kì thi giữa kì hai năm lớp 8, có lẽ đây là một “kỷ niệm” mà tôi sẽ không thể nào quên. Chỉ vì một lỗi sai sót rất nhỏ trong bài văn của mình mà tôi đã bị gạch và trừ toàn bộ số điểm của bài văn đó. Khi thấy số điểm của mình: 2,75, tôi cảm thấy sợ. Sợ không phải vì bị điểm kém mà sợ bố mẹ sẽ biết được điều này.

Sau khi về nhà, tôi tìm mọi cách để cho bố mẹ không biết: nào là xóa zalo, chặn số điện thoại… Nhưng đến cùng thì mọi việc cũng bị bại lộ. Bố nổi trận lôi đình, quát tháo, chửi mắng và nhục mạ tôi mà không cần nghe bất cứ lời giải thích nào. “Sao mày dốt nát thế?” Ngay sau đó, bố đã cầm tông đơ ra và gọt sạch mái tóc của tôi. Với một đứa trẻ đang trong tuổi dậy thì, thích khoe khoang, làm dáng thì việc cắt đi mái tóc khác gì một ngọn giáo đâm thẳng qua tim của nó chứ? Và rồi những ngày tháng sau đó, tôi phải sống trong cảnh “ngục tù đầy rẫy ác mộng”.

Bố đã mua camera về và lắp quanh nhà: từ cổng đến sân, vào trong phòng khách rồi đến phòng bếp và cả… phòng ngủ của tôi. Không nhầm đâu, bố tôi đã lắp camera vào phòng ngủ của tôi. Bố muốn kiểm soát toàn bộ cuộc sống của tôi: ăn, học, và cả ngủ. Chính vì sự giám sát khắt khe đến mức cực đoan đó, tôi dường như mất đi mọi cảm hứng trên cuộc sống này; tôi dần xa lánh bố mẹ, ngày nào cũng vậy, đi học về nhà và thu mình lại trong phòng và ngồi… khóc. Kết quả học tập của tôi dần đi xuống và nó dường như cũng là nguyên nhân chính khiến tôi trượt nguyện vọng một trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10.

Tôi cảm thấy chán ghét cuộc sống này; cả năm lớp 10 tôi sống trong một suy nghĩ trăn trở rằng: “Liệu tôi có quan trọng trên cuộc sống này? Tôi có xứng đáng được sống không? Nếu tôi không tồn tại trên cõi đời này, bố mẹ tôi có vui hơn không?” Đã từng rất nhiều lần tôi rũ mình, muốn rời khỏi cuộc sống này nhưng người chết thì đâu có đau, họ để lại nỗi đau cho người ở lại. Liệu tôi đang sống cho bản thân hay sống cho gia đình, bố mẹ? Chính tôi cũng không biết nữa.

“Người lớn đã từng là trẻ con nhưng trẻ con chưa bao giờ là người lớn”

Đó là tôi của những năm trước, một người tiêu cực, không mảy may đến sự tồn tại của bản thân. Nhưng đến bây giờ, khi được tiếp xúc với Văn học, chính Văn học đã kéo tôi trở lại cuộc sống này. Tôi nhận ra cuộc sống này còn biết bao sung sướng, hạnh phúc đang chờ đón tôi phía trước thì tại sao tôi lại phải rầu rĩ với cuộc sống hiện tại. Tôi dần thoát li ra khỏi suy nghĩ tiêu cực, nhìn nhận, đối diện với nó theo một cách tích cực. Tôi tự nhủ với bản thân mình rằng, cần phải sống chân thực. Bất kể người khác nhìn mình bằng con mắt nào đi chăng nữa, dù cả thế giới phủ định, tôi vẫn có bản thân tin tưởng mình.

Tôi không viết những dòng này để oán trách bố mẹ hay bất kì một bậc phụ huynh nào trên cuộc đời này.

Tôi rất yêu quý bố mẹ tôi, dù thế nào đi chăng nữa. Họ cũng đã quá vất vả để phải duy trì những miếng cơm manh áo cho gia đình. Trên vai họ gồng gánh những trách nhiệm, là bao hy vọng hay chính ước mơ của họ gửi gắm lên con cái. Đâu phải cha mẹ nào cũng muốn con mình trở thành ông nọ, bà kia, nhiều bậc phụ huynh chỉ muốn con mình trở thành người tốt. Với họ thế là đủ. Nhưng tiếc thay, nào đã đủ, quá trình trưởng thành đầy nghiệt ngã của những đứa trẻ luôn cần những người bạn, những người hiểu mình tồn tại trong thân xác của những ông bố, bà mẹ.

“Người lớn đã từng là trẻ con nhưng trẻ con chưa bao giờ là người lớn. Người lớn thấy vấn đề của những đứa trẻ như cái miệng giếng, nhưng với những đứa trẻ, nó là cả một bầu trời”.

Làm bạn với con chưa bao giờ là dễ dàng, chính tôi cũng hiểu được như vậy. Bạn cứ thử nhìn cách chúc mừng sinh nhật phụ huynh trên mạng xã hội cũng đủ hiểu. Tỷ lệ đó càng cao thì sự xa cách giữa cha mẹ và con cái càng lớn. Những đứa con không đủ can đảm để gửi một lời chúc trực tiếp đến với đấng sinh thành hay những bậc cha mẹ không thể đứng trước mặt con nói lời xin lỗi. Vì sao ư? Tôi nghĩ mỗi người sẽ có những ý hiểu riêng của bản thân.

“Có những người chết ở tuổi 25 và chỉ đến 75 tuổi mới được chôn”. Cái “chết” ở đây không nên hiểu theo một nghĩa đen trần trụi, nó là kết quả của sự cô đơn của những con người đang trong độ tuổi trưởng thành. Họ muốn được chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của họ với người những người mà họ tin tưởng. Họ cần ai đó để chia sẻ những áp lực học hành, cần ai đó để tâm sự về tình yêu đôi lứa thuở học trò, cần ai đó để động viên họ theo đuổi giấc mơ, con đường mà họ chọn… Những điều họ cần chia sẻ với người lớn, có thể nhỏ thôi nhưng đó là cả một “lý tưởng” mà họ đang hướng đến.

Nhưng hai con người sinh ra trong hai thế kỉ khác nhau đâu có thể hiểu cho nhau một cách dễ dàng? Khi những bạn trẻ chọn cách cùng cực nhất là rời khỏi cõi đời này thì cái “chết” đó chính là một sự giải thoát khỏi cảnh tù tội sâu trong tâm hồn họ. “Người chết không đau, họ để lại nỗi đau cho người ở lại”. Nỗi đau của họ sẽ kết thúc nhưng với những người ở lại, thì nỗi đau mới chỉ mới bắt đầu.

Suy cho cùng, việc cha mẹ làm bạn với con cái, thấu hiểu con, tôn trọng sở thích, niềm đam mê của con không phải là điều dễ dàng nhưng đâu phải là điều không thể? Không cần dạy con là ông này, bà kia, một người cha, người mẹ “đích thực” sẽ thành công khi những đứa con của mình có thể nói chuyện với mình như một người bạn đích thực

Nếu cuộc sống này là dễ dàng thì đứa trẻ đã không chào đời bằng tiếng khóc. Cuộc sống này vốn đã không công bằng nên chúng ta phải học cách chấp nhận và vượt qua nó. Đừng để những suy nghĩ, những tiêu cực của cuộc sống đè nặng lên vai chúng ta mà không thể giải tỏa. Nếu bạn không nghĩ cho bản thân mình thì ít nhất hãy nghĩ đến cha mẹ, anh em,… những người xung quanh của chúng ta.

Cuộc sống có quyền đẩy bạn ngã nhưng ngồi đó than khóc hay đứng dậy tiếp tục là quyền của bạn. Mọi sự sống trên thế gian này đều quan trọng. Hãy giữ khuôn mặt bạn luôn hướng về ánh mặt trời, và bóng tối sẽ ngả phía sau bạn.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Cách dạy conlàm cha mẹ

Các tin liên quan đến bài viết