Na Uy và Mexico phải mất hơn 2 tháng để soạn thảo nội dung tuyên bố cũng như đi thuyết phục các nước trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên chỉ mất 2 phút để 15/15 thành viên thông qua tuyên bố trong cuộc họp ngày 6-5.
Theo trang tin UN News của Liên Hiệp Quốc (LHQ), cuộc họp để thông qua tuyên bố bắt đầu lúc 15h03 ngày 6-5 (giờ Mỹ) và kết thúc lúc 15h05 cùng ngày, tức rạng sáng 7-5 theo giờ Việt Nam.
Đây là tuyên bố đầu tiên của HĐBA về xung đột Ukraine kể từ khi nó bùng nổ vào cuối tháng 2 vừa qua.
Tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm cả Nga, đã thông qua tuyên bố, đánh dấu một trong những lần hiếm hoi nước này đứng cùng các quốc gia phương Tây trong vấn đề Ukraine kể từ khi chiến sự bùng nổ.
Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của thành viên thường trực HBĐA để chặn các nghị quyết hoặc tuyên bố chỉ trích hành động quân sự của nước này tại Ukraine.
Để Matxcơva lần đầu tiên gật đầu với một tuyên bố liên quan Ukraine, theo Hãng thông tấn AP, những cụm từ gây tranh cãi đã bị loại bỏ.
Những người soạn thảo tuyên bố cũng không sử dụng cụm từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” theo cách Nga gọi hay đề cập các từ mà phương Tây mô tả về hành động của Matxcơva.
Tuyên bố này cũng đặc biệt ngắn gọn, trong đó bày tỏ “quan ngại sâu sắc về việc duy trì hòa bình và an ninh của Ukraine”. Tuyên bố cũng nhắc nhở các quốc gia thành viên rằng theo Hiến chương LHQ, các nước “có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng các biện pháp hòa bình”.
“HĐBA bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực của Tổng thư ký (Antonio Guterres) trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình”, tuyên bố nêu rõ và yêu cầu ông Guterres thông báo ngắn gọn cho các thành viên HĐBA về các nỗ lực này “trong thời gian thích hợp”.
Phản hồi sau tuyên bố của HĐBA, ông Guterres gọi đây là lần đầu tiên HĐBA “nói cùng một tiếng nói vì hòa bình ở Ukraine”. Đại sứ Mexico và Na Uy tại LHQ cũng mô tả đây là bước khởi đầu quan trọng cho các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột.
Khi được hỏi vì sao phải mất tới 2 tháng cho một tuyên bố ngắn gọn chỉ bày tỏ sự ủng hộ với tổng thư ký LHQ, đại sứ Mexico Juan Ramon De La Fuente cho rằng mọi thứ cần bắt đầu từ những việc khiêm tốn.
“Việc các nước nhất trí thông qua tuyên bố cho thấy HĐBA đang thống nhất trong việc hỗ trợ LHQ và tổng thư ký tìm kiếm một giải pháp ngoại giao”, vị đại sứ giải thích thêm về ý nghĩa.
Nguồn: tuoitre.vn