Russia Today, dẫn các nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ, hôm nay (30/4) cho biết Ankara ban đầu dự kiến sẽ gửi các máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon tới cuộc tập trận chung thường niên “Tiger Meet” (tạm dịch “Hổ hội tụ”), được tổ chức tại Căn cứ Không quân Araxos phía tây Hy Lạp từ ngày 9 đến 22/5 tới.
Tuy nhiên, theo các báo cáo an ninh, Bộ Tư lệnh Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng từ ngữ mà Hy Lạp sử dụng trong tài liệu kỹ thuật liên quan đến cuộc tập trận là trái với luật pháp quốc tế và yêu cầu thay đổi, song đã bị Athens từ chối.
“Bất chấp mọi nỗ lực hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, vốn không chấp nhận cả các nước láng giềng tham gia một cuộc tập trận ở nước mình, đã chuyển cuộc tập trận ra khỏi mục đích hữu nghị và phối hợp, đồng thời cố gắng lợi dụng nó để chống lại các quyền và lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ”, báo Sabah, dẫn một nguồn tin an ninh, cho biết.
Kết quả là vào ngày 22/4, Ankara đã quyết định không tham gia cuộc tập trận và thông báo cho nước chủ nhà về việc rút quân.
Trong khi đó, một số nguồn tin khác lại cho rằng chính Athens đã quyết định không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các cuộc tập trận của NATO để trả đũa việc máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên vi phạm không phận của Hy Lạp.
Hôm 28/4, Bộ Ngoại giao Hy Lạp đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ với Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ về “số lần vi phạm chưa từng có (của Thổ Nhĩ Kỳ) trong không phận Hy Lạp và các chuyến bay do thám trên lãnh thổ Hy Lạp, trong đó có cả một số khu vực có người sinh sống, được thực hiện chỉ trong vòng một ngày”.
Tuyên bố không nêu rõ con số vi phạm chính xác nhưng theo các phương tiện truyền thông, 125 chuyến bay trái phép của Thổ Nhĩ Kỳ đã được ghi nhận chỉ trong vòng 24 giờ.
Bộ Ngoại giao Hy Lạp nhấn mạnh, “những hành động này tạo ra một bầu không khí căng thẳng đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước, đi ngược lại những nỗ lực từng được thực hiện để cải thiện tình trạng này”.
Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố đang thực hiện các biện pháp trả đũa đối với việc máy bay Hy Lạp vi phạm không phận nước này. Cùng ngày 28/4, Ankara cho biết Athens đã vi phạm không phận của mình tới “30 lần chỉ trong vòng 3 ngày”.
Dù là đồng minh trong khối NATO, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tồn tại bất đồng gay gắt trên nhiều vấn đề, gồm yêu sách thềm lục địa ở Địa Trung Hải, cũng như các yêu sách về hàng hải và hàng không, địa vị pháp lý của một số đảo nhỏ trên biển Aegea và đảo Síp.
Nguồn: vietnamnet