Những ngày gần đây, báo chí chỗ nào cũng đăng tin tour kín chỗ, vé máy bay, tàu xe đều “cháy”. Thế mới biết, dân mình đang háo hức được đi du lịch, xả stress sau một thời gian dài đối phó với dịch bệnh thế nào… Có thể lạc quan là du lịch sẽ bùng nổ, kinh tế đất nước chắc chắn khởi sắc hơn nhiều. Đáng mừng và đáng chờ đón lắm chứ!
Thế nhưng, tour càng cháy, càng nhiều người tranh thủ dịp lễ 30/4 để đi du lịch thì tôi càng quyết tâm: Du lịch… tại gia, khám phá chính thành phố của mình! May mắn thay, chồng con và cả gia đình tôi cũng tán đồng “quyết sách” này.
Tới hôm nay, chúng tôi đã lên một list dài những việc để làm trong 4 ngày nghỉ sắp tới. Nào là thăm lại Lăng Bác, công viên Thủ Lệ, đền Ngọc Sơn… Khám phá chuyến xe bus 2 tầng vòng quanh phố cổ, những con đường “mới nổi” ở Thủ đô với hoa ban, lá vàng hay gánh hàng rong và thử những món ngon chỉ ngày giao mùa mới có. Hà Nội tuyệt vời thế, sao không thử “du lịch tại chỗ” ngay hôm nay?
Còn để mà nói về lý do khiến cả gia đình tôi quyết tâm du lịch tại chỗ thì có vô vàn. Nhưng có lẽ câu chuyện bắt đầu trong một lần cả gia đình tôi đi nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Lần đó, ông xã và em trai anh quyết định lái xe từ Hà Nội vào Huế. Chúng tôi định tự lái xe để có thể thích đâu dừng đó và tranh thủ ghé thăm người thân ở Đà Nẵng. Nhưng rồi, chờ đón chúng tôi là hành trình dài hơn 2 tiếng đồng hồ ở đường trên cao bởi những hàng xe dài nối đuôi nhau ùn ứ… Mãi mới “chạm” vào cao tốc nhưng cũng chẳng vui vẻ gì hơn khi dòng xe chỉ thấy tăng chứ không giảm.
Không dừng ở đó, đi tới đâu cũng chỉ thấy người với người. Biển Sầm Sơn, Cửa Lò… đều đông nghẹt, các nhà hàng rơi vào tình trạng quá tải. Lũ trẻ đói méo mặt nhưng cha mẹ gần như bất lực vì không thể có đồ ăn phù hợp cho chúng. Giá cả thì đâu có như mọi khi mà đắt “cắt cổ”. Một đĩa trứng tráng giá 150 ngàn, bát canh mùng tơi nấu suông cũng thế. Cua ghẹ tiền triệu nhưng toàn con óp, có được chút thịt thì bở và nhạt toẹt. Đĩa tôm ươn khiến mẹ chồng tôi ăn có một con nhưng vẫn “chịu trận” ôm WC cả buổi.
Phòng nghỉ dù đã đặt sẵn ở một resort có tiếng nhưng cũng không hoàn hảo. Khi chúng tôi nhận phòng, thậm chí WC còn chưa được dọn dẹp xong. Cả ngày di chuyển, ông bà và lũ trẻ muốn nằm nghỉ ngay nhưng lại phải ngồi chờ dọn phòng. Nhân viên rối rít xin lỗi vì khách quá đông nên khâu chuẩn bị có phần lúng túng hơn ngày bình thường. Gia đình tôi cũng thông cảm nhưng mệt mà không được nghỉ khiến cả nhà cứ ấm ức trong người.
Sau kỳ nghỉ “đau thương” đó, cả nhà tôi quyết định sẽ né những dịp lễ tết và chỉ đi du lịch vào những ngày bình thường. Ví dụ, trước 30/4 – 1/5 vài tuần, cả nhà tôi tranh thủ đi Hạ Long. Biển vắng, các khu vui chơi cũng thoáng người. Nhà hàng thì đầy ắp đồ ăn tươi ngon, giá cả lại rất hợp lý. Hoặc khi dân tình thi nhau đi du lịch vào tết Âm lịch với lý do “né Tết”, tranh thủ xả stress, đỡ phải cỗ bàn lách cách…, chúng tôi ở nhà, dành thời gian đi thăm họ hàng, bạn bè…
Dù gì đi nữa thì cả năm cũng chỉ có 1 cái tết Âm lịch, một dịp hiếm hoi để cả đại gia đình um họp bên nhau, tội gì mà không tận hưởng thời gian đặc biệt này? Tới khi hết Tết, tôi lên kế hoạch cho cả nhà đi Phú Quốc vào một dịp cuối tuần. Lũ trẻ hay người lớn đều chỉ cần xin nghỉ 1-2 buổi học, buổi làm là được rồi. Khi ấy, các khu du lịch đều ít người, chuyến đi sẽ thảnh thơi và thoải mái hơn nhiều!
Các anh chị có thể bảo tôi tính toán lòng vòng, nhưng chỉ nghĩ tới cảnh chen chúc, quá tải trong kỳ nghỉ là đã thấy không thoải mái rồi! Thế nên “xin kiếu”, cứ để em ở nhà cho khoẻ mới vui!
Nguồn: vietnamnet