Trưa 28-4, Hội đồng xét xử TAND TP Châu Đốc, An Giang quyết định trả hồ sơ để tiếp tục điều tra bổ sung vụ “buôn lậu” của bị cáo Trần Thị Vàng (44 tuổi, ngụ phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc). Vàng là vợ thượng tá biên phòng An Giang.
Cùng xét xử có các bị cáo Trần Thị Dũng (52 tuổi, chị ruột Vàng) và Lê Văn Lên (32 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang).
Ông Nguyễn Quang Chân – chánh án TAND TP Châu Đốc – cho biết có 3 lý do để trả hồ sơ là: việc định giá tài sản phạm tội đã vi phạm quy định pháp luật, việc giám định tài sản không thể dựa vào hình ảnh do công an cung cấp để giám định và cào bằng giá trị tài sản còn lại là 50% được. “Thêm vào đó, việc trả hồ sơ để làm rõ số tài sản do bị cáo Vàng mua từ UBND phường Vĩnh Nguơn đã có hóa đơn là tài sản gì, trị giá bao nhiêu và số tài sản này có loại ra khỏi giá trị tài sản phạm tội của bị cáo chưa”, ông Chân nói.
Theo cáo trạng, sáng 27-2-2021, lực lượng liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp các ngành đã kiểm tra hành chính 3 căn nhà số: 193, 276 đường Tuy Biên, khóm Vĩnh Chánh 2 và số 142 đường Phan Xích Long, khóm Vĩnh Tân, đều thuộc phường Vĩnh Nguơn, thì phát hiện cả 3 căn nhà này đều chứa hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đã qua sử dụng như hàng điện tử, điện lạnh, đồ dùng gia dụng, đồ sành sứ,… nên lập biên bản tạm giữ và chuyển hồ sơ cho Công an TP Châu Đốc xác minh, xử lý.
Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định 2 căn nhà số 276 và số 142 là của Trần Thị Vàng và thượng tá Hoàng Văn Nam (chồng bà Vàng, phó trưởng Phòng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang). Còn căn nhà số 193 do bị cáo Trần Thị Dũng đang sống tại đây. Tổng trị giá hàng hóa trong 3 căn nhà bị thu giữ có giá trị hơn 315 triệu đồng.
Quá trình điều tra xác định, số hàng hóa nhập lậu được thu giữ ở 3 căn nhà trên đều của bị cáo Vàng mang từ Gò Tà Mâu (Campuchia) về TP Châu Đốc để bán kiếm lời. Từ tháng 3-2020, khi biên giới tỉnh An Giang đóng cửa để chống dịch COVID-19, Vàng thuê người vận chuyển hàng từ kho hàng ở Campuchia đưa về 3 căn nhà nêu trên để bán lại cho người đến nhà hoặc cho người đến phát trực tiếp livestream bán hàng qua các trang mạng xã hội.
Bị cáo Lên có nhiệm vụ phụ giúp Vàng dọn, sửa hàng; đến kho ở Campuchia đóng gói hàng cho người đai chuyển về nhà Vàng, nhận và chuyển hàng qua các địa điểm. Lên còn thay Vàng báo giá bán cho khách khi Vàng vắng mặt, Vàng trả công cho Lên trung bình 5 triệu đồng/tháng. Riêng Trần Thị Dũng có nhiệm vụ dọn rửa hàng cũ thành mới nhưng không nhận tiền công, đổi lại Vàng trả chi phí sinh hoạt trong nhà.
Tranh luận tại tòa, luật sư Lê Hùng Tuấn – Đoàn luật sư tỉnh An Giang – cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo Trần Thị Vàng có tài sản phạm tội từ 300 – 500 triệu đồng theo khoản 2, với mức hình phạt từ 3-7 năm. Căn cứ để truy tố dựa vào định mức giá trị tài sản phạm tội, dựa vào kết luận định giá của cơ quan có thẩm quyền.
“Tại sao tài sản vẫn còn nhưng hội đồng xét xử không đến xác định giá trị thực tế còn lại của tài sản mà lại nhìn vào hình ảnh do cơ quan công an cung cấp, sau đó định giá cào bằng giá trị thực tế còn lại 50% của các tài sản là không khách quan, mang tính chất cảm tính và chưa thỏa đáng. Vì theo Bộ luật tố tụng hình sự, việc định giá tài sản chỉ trong trường hợp tài sản cần định giá bị thất lạc hoặc không còn thì việc định giá tài sản được thực hiện theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản định giá”, luật sư Tuấn khẳng định.
“Giá trị tài sản trong hình sự phải ghi rõ ràng chứ không thể hơn 50% theo cảm tính được. Tôi cho rằng kết luận định giá tài sản vi phạm quy định và chưa rõ ràng, chưa đủ căn cứ để buộc tội các bị cáo”, luật sư Tuấn phân tích thêm.
Nguồn: tuoitre.vn