Hai ngày vừa qua Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang liên tiếp cấp cứu hai bệnh nhi là N.A.V. (5 tuổi, ở Tuyên Quang) bị ngộ độc rượu và H.M.T. (16 tháng tuổi, ở Nà Hang, Tuyên Quang) bị ngộ độc dầu hỏa.
Theo thông tin từ gia đình, bé V. sang nhà hàng xóm chơi, thấy một chai nước ngọt dưới gầm bàn, bé đã lấy uống khoảng nửa chai. Ngay sau đó gia đình phát hiện mặt bé đỏ, nôn, người co giật, hơi thở có nhiều mùi rượu nên đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Hàm Yên cấp cứu, sau đó bé được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang điều trị. Riêng gia đình bé T. cho hay bé T. chơi trong nhà, lấy dầu hỏa trong chai để dưới gầm bàn thờ mở nắp uống. Sau khi uống bé ho nhiều, nhiều đờm dãi, da mặt tím tái, khó thở nên gia đình chuyển ngay bé đi cấp cứu. Hiện cả hai bé đã được điều trị an thần, truyền dịch, dùng kháng sinh, chống viêm, làm các xét nghiệm cần thiết. Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình không nên đựng rượu, dầu hỏa hoặc hóa chất trong các chai đựng nước hoặc nước ngọt. Nếu gia đình có chai lọ chứa các dung dịch dạng này cần để ở ngoài tầm tay trẻ em. Các bác sĩ cũng cảnh báo trẻ uống nhầm rượu có thể suy hô hấp, rối loạn nhịp tim và thần kinh, uống nhiều có nguy cơ tử vong. Nếu trẻ uống nhầm rượu, gia đình nên gây nôn (ói) cho trẻ ngay. Tuy nhiên, trẻ uống nhầm dầu hỏa có thể gây suy hô hấp, khó thở nặng, gia đình cần bình tĩnh đưa trẻ đến bệnh viện, không tự ý gây nôn cho trẻ do khi gây nôn, hóa chất có thể tràn vào khí quản làm trẻ viêm phổi, tổn thương phế nang với tình trạng nặng hơn thông thường. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận khoảng 1.100-1.200 trẻ bị các loại tai nạn thương tích, tuy nhiên trong mùa hè số trẻ bị các tai nạn, kể cả uống nhầm hóa chất, tăng hơn so với bình thường.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bác sĩbệnh nhibệnh viện đa khoa Tuyên Quangcấp cứungộ độc dầu hỏangộ độc ruwouj

Các tin liên quan đến bài viết