Nhiều sản phẩm, mô hình thực tế, hình thức tư vấn ‘mặt đối mặt’ được các trường đưa đến Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức để giúp học sinh hiểu rõ hơn ngành nghề trước khi lựa chọn.
Một nhóm học sinh say sưa nghe nhân viên Trường cao đẳng Viễn Đông giới thiệu về nguyên lý hoạt động của mô hình động cơ lai xăng – ga, một sản phẩm luận văn tốt nghiệp của sinh viên. Đây là kết quả của nhiều kiến thức chuyên ngành về cơ khí, chế tạo máy, điện… mà sinh viên được học trong một số ngành như cơ khí ô tô, chế tạo máy, cơ khí…
Hiểu ngành từ sản phẩm thực tế
Một học sinh Trường THPT Văn Lang cho biết trong hình dung của mình, ngành ô tô chỉ dạy những kiến thức liên quan đến vận hành, sửa chữa ô tô chứ không hình dung ra được có rất nhiều kiến thức liên quan đến điện – điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin trong đó.
Tại gian tư vấn của Trường đại học FPT, học sinh thích thú dùng máy thực tế ảo, hóa thân thành các nhân vật trong một trò chơi. Một học sinh cho hay thỉnh thoảng cũng chơi trò chơi để giải trí nhưng không sống động và thật như vậy.
Nhân viên tư vấn của trường cho biết chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin có một số chuyên ngành 2D, 3D, thiết kế truyền thông, thiết kế tương tác. Những thiết bị thực tế ảo này giúp học sinh hình dung và thiết kế một trò chơi 2D như thế nào.
Ngành ngôn ngữ Nhật trường này tổ chức cho học sinh làm món sushi đặc trưng của Nhật. Vừa hướng dẫn học sinh trộn nguyên liệu, giảng viên vừa nói về văn hóa ăn uống nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói chung. Từ một món ăn truyền thống, học sinh nắm được sẽ học những gì trong ngành ngôn ngữ Nhật chứ không chỉ học tiếng Nhật.
Gần đó, khoa quản trị du lịch nhà hàng khách sạn của trường bố trí 1 bàn ăn theo tiêu chuẩn 5 sao. Học sinh là thực khách. Sinh viên trường mời khách, bố trí muỗng, nĩa, đồ ăn để học sinh thưởng thức. Một giảng viên giới thiệu chi tiết về quy trình này.
Ông Hồ Trung Chánh – chủ nhiệm bộ môn quản trị du lịch nhà hàng khách sạn – cho hay với mô hình này, học sinh sẽ hình dung phần nào chương trình học và việc làm sau này. “Các em sẽ được giới thiệu cách nấu ăn, thiết kế thực đơn, thiết kế và bài trí món ăn, bàn ăn, phục vụ khách hàng, cách dùng dụng cụ ăn… Điều này giúp học sinh hình dung chi tiết về ngành nghề đào tạo” – ông Chánh nói.
Nhiều trường đại học khác cũng đem nhiều mô hình thực tế như máy khắc laser, mô hình cơ thể người, kính thiên văn, các sản phẩm đặc trưng như đá của ngành địa chất, vật liệu thân thiện môi trường của ngành khoa học vật liệu… đến ngày hội. Những mô hình, sản phẩm thực tế này cùng với tư vấn của chuyên gia giúp học sinh hình dung rõ ngành nghề và vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Ông Đặng Hoài Trung – giảng viên khoa vật lý – vật lý kỹ thuật Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cho biết khoa đem tới ngày hội kính thiên văn do chính các sinh viên trong câu lạc bộ thiên văn của trường xin tài trợ và chế tạo.
“Kính này có thể nhìn rõ vành đai sao Thổ. Với mô hình thực tế này, học sinh có thể trải nghiệm, chúng tôi tư vấn thêm về nội dung đào tạo giúp các bạn hình dung rõ hơn để có quyết định chọn ngành chính xác” – ông Trung nói.
“Mặt đối mặt” chuyên gia
Nhiều học sinh, phụ huynh sau khi trải nghiệm các mô hình thực tế đã trực tiếp “mặt đối mặt” với chuyên gia của các trường để tìm hiểu rõ hơn về ngành nghề trước khi chọn ngành hoặc xác nhận một lần nữa ngành nghề mình đã chọn.
Cùng con gái gặp chuyên gia Truờng đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), phụ huynh Nguyễn Quốc Hải cho biết con mình đã thi đánh giá năng lực, điểm thuộc top 21% đầu, đăng ký ngành ngôn ngữ Anh, quản trị du lịch và lữ hành của trường này.
“Cháu chọn hai ngành này vì thấy thích và tôi cũng định hướng cháu học để sau này trở về Nha Trang làm việc vì du lịch ở đây phát triển. Tuy nhiên cháu vẫn chưa rõ về sự khác biệt giữa chương trình đại trà và chất lượng cao, cơ sở vật chất thế nào, ăn ở ra sao” – ông Hải cho biết.
Ở gian tư vấn của Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), bà Hứa Thu Thọ chăm chú nghe nhân viên của trường tư vấn. Con bà hôm nay làm kiểm tra ở trường, bà đi thay để giải tỏa những băn khoăn khi chọn ngành.
Theo bà Thọ, con bà thi đánh giá năng lực được 703 điểm, có thể không đủ đậu vào ngành công nghệ sinh học trường này. Ưu tiên số một của con bà là ngành y Trường đại học Y dược TP.HCM, nếu không trúng tuyển sẽ xét tuyển ngành công nghệ sinh học.
“Tôi muốn biết xem ngành này đào tạo chuyên sâu những gì, cơ hội việc làm sau này thế nào. Cháu tôi cũng đang học công nghệ sinh học ở Cần Thơ và khuyên tôi cho con học ngành này ở Trường đại học Khoa học tự nhiên. Cháu sẽ thi đánh giá năng lực đợt 2 để xét tuyển vào ngành này” – bà Thọ nói.
Hỏi để học và làm
Tư vấn theo mô hình mặt đối mặt, PGS.TS Vũ Công Hòa – trưởng bộ môn cơ kỹ thuật, khoa khoa học ứng dụng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cho biết phần lớn thí sinh và phụ huynh thắc mắc ngành này học những gì, ra làm gì, ở đâu, dễ kiếm việc làm hay không.
“Thí sinh muốn học đúng ngành mình mong muốn để ra làm việc chứ không phải học đại cho có bằng đại học. Đó là lý do học sinh hỏi rất kỹ về chương trình đào tạo sự khác biệt giữa ngành này và ngành kia, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp” – ông Hòa nói thêm.
Nguồn: tuoitre.vn