Xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc gặp khó, trong khi tại châu Âu nhiều sản phẩm của Việt Nam có nhu cầu cao. Việt Nam cần có cách làm khác để tăng hiện diện ở EU.

Hàng Việt sao vẫn khó vào châu Âu? - Ảnh 1.

Một lô nông sản Việt từ TP.HCM xuất sang châu Âu 

Việt Nam đang có lợi thế với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Nếu không nhanh chóng cạnh tranh, vượt lên Thái Lan thì sau này sẽ khó còn cơ hội.

Cần có “một Việt Nam giữa châu Âu”

Chúng ta có nhiều cơ hội để xuất khẩu nhiều hơn nữa vào châu Âu, song dịch bệnh cho thấy còn nhiều điều cần được cải thiện. Đầu tiên là logistics. Theo đánh giá của chúng tôi, hiện chúng ta không làm chủ được khâu này mà hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài cả trên biển lẫn hàng không, ngay cả hãng bay chuyên vận tải hàng hóa chúng ta cũng chẳng có.

Khâu logistics thiếu, giá đội lên quá cao, thời gian vận chuyển chậm, chi phí vận tải cao dẫn đến lợi thế về xuất khẩu nông sản chưa tận dụng được tối đa. Thuế giảm nhưng chi phí logistics tăng khiến sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh. Do đó, đã đến lúc Việt Nam nên tính đến phương án đóng gói đầu cuối tại châu Âu, tức là mở cơ sở đóng gói, lắp ráp, hoàn thiện… ngay tại đó.

Cách đây 20 năm, chúng ta đã sản xuất mì ăn liền ngay tại châu Âu thay vì mang sản phẩm hoàn thiện sang đây bán, giải quyết được bài toán vận chuyển hàng cồng kềnh. Vừa rồi ở đây rất khát nước dừa nhưng không thể vận chuyển do giá cước quá cao. Vậy chúng ta có thể mang nước cốt dừa sang đây pha chế, giúp chủ động thời gian giao hàng, giảm phí vận tải…

Hiện Trung Quốc đã đóng gói hàng dệt may tại châu Âu. Muốn mở được nhà máy như vậy, chúng ta phải có kế hoạch dài hơi để có chuyên gia, đào tạo người lao động, chuẩn bị các yếu tố về pháp lý, cơ sở hạ tầng… bằng cách kết hợp với Việt kiều.

Nếu làm được điều đó, chúng ta mở ra cơ hội lớn hơn nhiều để tận dụng lợi thế khi xuất khẩu vào châu Âu, cạnh tranh với Thái Lan về nông sản. Khi có cơ hội cần cạnh tranh quyết liệt, còn đến khi người ta cũng có lợi thế thì chúng ta khó có cửa.

Trước chúng ta chỉ chăm chăm bán buôn sang châu Âu… Cần có trung tâm bán lẻ ở Việt Nam để bán thẳng sang các nước, bán trực tiếp cho người tiêu dùng chứ không cần thông qua các công ty trung gian.

TS Hoàng Xuân Bình

Chú trọng bán lẻ bằng công nghệ

Thời hậu COVID-19, cách thức bán hàng và phân phối đã thay đổi, kinh doanh online lên ngôi. Chúng ta phải tổ chức từ khâu logistics, phân phối làm sao để ngồi ở Việt Nam vẫn bán được hàng sang châu Âu và ngược lại. Chuyện đó không khó lắm.

Trước đây, chúng ta chỉ chăm chăm bán buôn sang châu Âu, bây giờ phải phải nghĩ cách để không chỉ bán buôn mà còn bán lẻ. Tức là cần có trung tâm bán lẻ ở Việt Nam để bán thẳng sang các nước, bán trực tiếp cho người tiêu dùng chứ không cần thông qua các công ty trung gian vì họ “ăn” quá nhiều. Đó cũng là con đường để chúng ta đi tắt đón đầu về công nghệ phân phối.

Triển vọng sản phẩm Việt vào châu Âu tập trung vào nông nghiệp, thủy sản, hoa quả, đồ uống… đặc biệt là các sản phẩm sấy khô. Do đó, chúng ta cần tập trung đem sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, đừng đi theo lối mòn bán các sản phẩm thô như hạt tiêu, hạt điều, tôm, cá… qua các công ty khác để họ lấy vừa thương hiệu vừa giá trị.

Để vào siêu thị cực kỳ khó, các doanh nghiệp lớn mới làm được, nhỏ khó có cửa. Vậy cánh cửa rộng hơn đó chính là bán online, vừa có thị trường vừa được giá.

Thực ra, bản thân các doanh nghiệp rất khó để làm được mà cần có sự trợ lực từ chính sách. Sự nỗ lực đều mang lại hiệu quả, ví như gạo Việt vừa qua đạt nhiều giải thưởng thì sức mua đã tăng lên. Trong khi đó, chúng ta xuất khẩu tiêu, cà phê, hạt điều nhiều… Do đó, câu chuyện quảng bá phải lên tầm quốc gia mới tốt được.

Hãy tính đưa nhà máy sang châu Âu

Hiện nay một số sản phẩm nông sản đông lạnh, sấy khô của Việt Nam đang được người châu Âu rất chuộng vì họ quan tâm nhiều đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Do đó, khi có một khu công nghiệp nhỏ cho các nhà máy Việt Nam sang đây lắp ráp, pha chế, sản xuất đầu cuối, đóng gói… thì chúng ta sẽ có một “Việt Nam ngay tại châu Âu” để người ta đến xem, tìm hiểu, đặt hàng, cấp chứng chỉ…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : hàng việtxuất khẩu nông sảnXuất khẩu nông sản vào Trung Quốc

Các tin liên quan đến bài viết