Hôm nay 16-4, 16 quận huyện của TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Moderna cho học sinh lớp 6. Sau buổi tiêm này, từ ngày 18 đến 28-4, TP.HCM sẽ triển khai tiêm vắc xin đồng loạt mũi 1 cho trẻ ở độ tuổi 5 đến dưới 12.
Ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế, cho biết trước khi chính thức triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ngày 15-4 Sở Y tế và Sở Giáo dục – đào tạo TP.HCM đã cùng ngồi lại một lần nữa để rà soát tất cả công việc.
3 ngày tiêm 160.700 trẻ
Theo đại diện của phòng nghiệp vụ y Sở Y tế, ước tính TP.HCM có 898.537 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm trong đợt này. Ngành y tế sẽ tiêm cho trẻ theo độ tuổi giảm dần và theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế.
Bà Lê Hồng Nga, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết trong ngày đầu tiên TP sẽ chỉ tiêm cho những trẻ đang học lớp 6. Tổng số trẻ dự kiến sẽ tiêm trong 3 ngày đầu là 160.758 với 685 bàn tiêm tại 404 điểm tiêm.
Trong đợt đầu tiên, TP.HCM đã được nhận 87.500 liều vắc xin cho trẻ, sau đó sẽ tiếp tục được nhận 138.000 liều vắc xin trong đợt cấp vắc xin trẻ em thứ 2 và 147.000 liều vắc xin đợt 3.
Về công tác cấp cứu trong quá trình tiêm chủng, bác sĩ Nguyễn Duy Long – giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 – cho biết hiện nay toàn TP có 1.326 điểm tiêm. Với số lượng điểm tiêm khá lớn, để việc tiêm chủng được diễn ra an toàn, ngoài công tác sơ cứu ban đầu phụ trách bởi đội tiêm thì còn lực lượng xe cứu thương và các bệnh viện tiếp nhận.
Sở Y tế đã huy động thêm được 74 xe cứu thương giao Trung tâm cấp cứu 115 làm đầu mối và chuyển cho trung tâm y tế các quận huyện sắp xếp bố trí vào điểm tiêm cho phù hợp. Cách thức sẽ là mỗi xe cứu thương phụ trách nhiều điểm tiêm, nếu huy động được thêm sẽ chủ động phân bổ ra cho các trung tâm y tế.
Có 3 đơn vị sẵn sàng cấp cứu liên viện, gồm Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP, sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm có trường hợp tai biến nặng sau tiêm cũng như hỗ trợ tuyến dưới trong công tác cấp cứu, xử trí tai biến.
Theo ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, lãnh đạo các phòng GD-ĐT quận huyện lưu ý làm sao tổ chức tiêm an toàn tại các điểm tiêm.
Trước cảnh báo của HCDC về một số đơn vị có số lượng học sinh tiêm quá cao trên một bàn tiêm, ông Dũng đề nghị lãnh đạo phòng GD-ĐT phải phối hợp với y tế quận huyện để có kế hoạch tiêm hoàn chỉnh trong đợt này.
Ông Dũng cũng đề nghị các trường khi được bố trí tiêm tại các trung tâm y tế quận huyện phải phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế để đảm bảo buổi tiêm được an toàn.
Nếu tiêm tại trường phải có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ giữa nhà trường, đặc biệt là thầy cô giáo chủ nhiệm của trẻ và phụ huynh học sinh. Nếu không tiêm tại trường thì trường cũng bố trí đầy đủ giáo viên chủ nhiệm đi theo học sinh.
Đợt này TP tổ chức tiêm chủ yếu tại các trường tiểu học và mầm non, nên lực lượng tại chỗ phải sắp xếp điểm tiêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi đảm bảo sự thoải mái cho các em khi vào điểm tiêm.
Mong chờ
“Phụ huynh trường chúng tôi cho biết họ mong chờ đến ngày con em mình được tiêm vắc xin ngừa COVID-19” – cô Phạm Thị Phương Hồng, hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây, quận 6, chia sẻ.
Theo cô Hồng, đợt tiêm vắc xin lần này có nhiều thuận lợi vì trước đó học sinh các khối 7, 8, 9 của trường đã tiêm rồi và an toàn. Do vậy tỉ lệ phụ huynh khối 6 đồng thuận tiêm đạt trên 90%.
Ông Lưu Hồng Uyên, trưởng Phòng GD-ĐT quận 6, thông tin: “Số phụ huynh lớp 6 ở quận đồng ý cho con em đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đạt hơn 95%. Chúng tôi tổ chức tiêm tại 3 điểm trường: THCS Bình Tây, THCS Phú Định và THCS Hậu Giang.
Vì đã có kinh nghiệm tổ chức tiêm vắc xin của những lần trước nên các trường đều bố trí nhiều bàn tiêm; chia khung giờ cho học sinh đến tiêm – tránh tình trạng tập trung quá đông người trong cùng một thời điểm dẫn đến việc phụ huynh, học sinh phải chờ quá lâu”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Uyên, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 10, cho biết tại quận 10, 93,8% phụ huynh lớp 6 đồng thuận tiêm vắc xin cho con em mình. Phòng đã phối hợp với ngành y tế quận đi thẩm định và chọn 7 trường có đầy đủ cơ sở vật chất theo quy định để làm điểm tiêm vắc xin.
Tuy việc tiêm vắc xin không tổ chức ngay tại trường mình nhưng học sinh và giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 đã chuẩn bị tâm lý. “Theo lịch, học sinh lớp 6 Trường Trần Văn Ơn sẽ tiêm vào chiều 16-4 tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1.
Tuy vậy chúng tôi vẫn huy động các lực lượng và đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 6, giáo viên – nhân viên là đoàn viên… đến Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỗ trợ học sinh trường mình” – cô Lê Thị Thanh Giang, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Ánh Mai, phụ huynh Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, kể: “Vợ chồng tôi có chút lo lắng khi được thông báo con mình sẽ đi tiêm vắc xin vào ngày 16-4. Mấy hôm nay tôi đã chuẩn bị cho con trai tâm thế để đi tiêm bằng cách yêu cầu con đọc tất cả những thông tin cần thiết về vắc xin, về những lưu ý trước khi tiêm, sau khi tiêm…
Tôi cũng nhắc con cố gắng ăn uống đủ chất, tăng cường uống nước cam và đi ngủ đúng giờ để có sức khỏe tốt, cơ thể sẵn sàng dung nạp vắc xin”.
Ông Dương Trí Dũng (phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM):
Kịp thời bổ sung danh sách tiêm
Vấn đề quan trọng nhất và căn bản nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ. Thế nên các trường đừng quá cầu toàn về thời gian kết thúc tiêm mà cần quản lý được điểm tiêm, số lượng tiêm cùng những vấn đề mà ngành y tế lưu ý.
Có thể trước đây phụ huynh không đồng thuận thì nay phụ huynh sẽ đồng ý cho con em đi tiêm. Trong trường hợp đó, các trường cần kịp thời bổ sung danh sách để học sinh được tiêm vắc xin.
Không phải suy nghĩ gì nữa
Tôi đã xin nghỉ cả ngày thứ bảy này để đưa con đi tiêm vắc xin. Tôi hiểu tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin, nhất là khâu khám sàng lọc và theo dõi sau khi tiêm. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc tiêm vắc xin là cần thiết và gia đình tôi đã chuẩn bị tâm lý từ rất lâu, chỉ chờ đến ngày được tiêm là đưa con đi tiêm chứ không phải suy nghĩ gì nữa.
Chị Vũ Thuận (phụ huynh Trường THCS Hồng Bàng, quận 5)
Cần Thơ: tiêm cho trẻ 10-12 tuổi trước
Sở Y tế Cần Thơ vừa có tờ trình gửi UBND TP phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12. Theo báo cáo của Sở Y tế, tổng số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn là 130.595 trẻ, trong đó số trẻ đang học tại các trường, cơ sở giáo dục là 126.661 trẻ, số trẻ tại cộng đồng là 3.934 trẻ.
Cần Thơ sẽ tiêm vắc xin theo thứ tự ưu tiên lứa tuổi giảm dần, tùy tiến độ nhận vắc xin và tình hình dịch bệnh tại địa phương. Trong đó sẽ tiêm trước cho nhóm từ 10 đến dưới 12 tuổi và hạ dần độ tuổi, ưu tiên tiêm cho trẻ chưa nhiễm COVID-19…
Địa điểm tiêm sẽ tổ chức tại trường học, cơ sở giáo dục. Đối với trẻ tại cộng đồng sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động do UBND quận, huyện tổ chức. Các trường hợp trẻ có bệnh nền hoặc đang điều trị nội trú tại các bệnh viện, sẽ tiêm tại điểm tiêm bệnh viện nhi đồng hoặc các bệnh viện có chuyên khoa nhi.
Phụ huynh cần chuẩn bị gì?
Bà Lê Hồng Nga, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đưa ra một số lưu ý phụ huynh chuẩn bị trước tiêm cho trẻ.
– Cung cấp đầy đủ thông tin để trường tạo hồ sơ trẻ trên Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Chuẩn bị sẵn mã số định danh công dân của trẻ, cung cấp đầy đủ tiền sử bệnh cho trường học, nhân viên y tế để sắp xếp lịch tiêm, nơi tiêm phù hợp.
– Cho trẻ ăn uống đầy đủ, mặc áo ngắn tay. Nên cho trẻ đi ngủ sớm, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ. Sắp xếp đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng lịch tiêm, khung giờ đã được mời.
– Mang theo đầy đủ giấy tờ để chứng minh nhân thân (đặc biệt nếu không phải cha mẹ, người giám hộ) khi dắt trẻ đi tiêm (tùy theo trường). Mang theo giấy xác nhận đã tiêm trước đó và giấy hoàn thành cách ly do mắc COVID-19 (nếu có).
Trong trường hợp chưa có mã số định danh của trẻ, phụ huynh có thể liên hệ với cảnh sát khu vực, công an phường. Theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong 7 ngày đầu.
Hiện có tình trạng nhiều phụ huynh trước khi cho trẻ đi tiêm thường cho ăn uống các thực phẩm theo chia sẻ trên mạng xã hội để tránh “phản vệ”. Một bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết phản ứng phản vệ ở trẻ em sau tiêm chủng là do phản ứng dị ứng của trẻ với các thành phần của vắc xin, không có bất kỳ thực phẩm nào có tác dụng phòng tránh.
“Phụ huynh chỉ cần cho trẻ ăn nhẹ trước khi tiêm, không được để đói hoặc ép trẻ ăn nhiều thực phẩm gây no, đầy bụng. Cho trẻ uống đủ nước, tuyệt đối không ngừng các loại thuốc uống điều trị bệnh mãn tính mà trẻ đang uống theo toa bác sĩ” – vị này chia sẻ.
Ngoài ra, vị này cho rằng không có một loại thức ăn nào chống chỉ định sau khi tiêm vắc xin COVID-19, vì thế phụ huynh nên duy trì chế độ ăn lành mạnh với đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ trước và sau khi tiêm chủng.
Nguồn: tuoitre.vn