Khắp nơi từ thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng có điểm bán nước mía chỉ mấy ngàn đồng/ly. Thế nhưng, đằng sau vị ngọt của mía là câu chuyện nhọc nhằn của người trồng. 1 sào mía, sau khi trừ chi phí, công chăm sóc, mỗi năm người trồng thu chưa đầy 7 triệu đồng.
ĐẮNG LÒNG NGƯỜI TRỒNG
Bà Lê Thị Ngân ở ấp 4, xã Minh Tâm (Hớn Quản) có 5 sào đất sản xuất nông nghiệp gồm 1 sào mía đường, 1 sào mía tím (loại để ăn) còn lại là mía nước, trong đó một số trồng xen trong vườn cây ăn trái. Bà Ngân mua mía giống của người dân và Viện Nghiên cứu mía đường ở Bến Cát (Bình Dương). Bà Ngân cho biết, người trồng mía phải sát sao nhiều khâu từ việc rải vôi, cày, đào mương, xuống giống, vun gốc, trị bệnh cho cây, đặc biệt là bón phân đảm bảo 3 lần/năm. Các bệnh chủ yếu trên cây mía như than, thối nõn… cần phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Nhà có 3 người chăm sóc 5 sào mía nhưng vào đợt cao điểm bà Ngân phải thuê nhân công làm hơn 2 tuần liên tục với chi phí hơn 200 ngàn đồng/người/ngày như cuốc mương, vun gốc. “Trồng mía vất vả lắm, suốt ngày ở ngoài vườn và rất xót người do đụng phải lá mía. Đến khi thu hoạch phải tìm nơi tiêu thụ. Tôi bán một bó 12 cây mía chỉ được 70 ngàn đồng, trong khi thương lái bán 15 ngàn đồng/cây” – bà Ngân xót xa.
Bà Lê Thị Ngân bên vườn mía của gia đình
Thêm vào đó, người trồng còn đối mặt với những rủi ro trong điều kiện thời tiết bất thường hiện nay như cây gặp gió lốc sẽ bị gãy, đổ. Bà Ngân vừa kiểm tra dây kẽm giằng bao bọc hàng mía vừa nói: “Đợt gió lốc tháng 3-2016 khiến vườn mía của gia đình bị đổ lúc còn non, tôi đành bán cây cho khách mua làm giống. Cũng may gỡ lại được chi phí đầu tư trên 20 triệu đồng gồm tiền vốn, kẽm, công ban đầu”. Có thời điểm bà Ngân mua phải giống mía kém chất lượng dẫn đến ½ sào mía của gia đình bị bệnh than, cây không phát triển, thân nhỏ bằng đầu đũa, không ra nhánh, năng suất kém. Có lúc trên 30% diện tích mía tím của gia đình bị thối nõn, vàng lá, bà phải giật xuống cho bò ăn vì bệnh này lây rất nhanh nếu không phát hiện, xử lý kịp thời. Cây mía nếu được xử lý đất tốt trước khi trồng sẽ cho thu trong 3 năm. Năm tới, bà sẽ giảm khoảng 2 sào mía do cây ăn trái trồng xen đã lớn. Chồng bà còn dự định sẽ không tiếp tục trồng mía vì chăm sóc vất vả mà thu nhập lại thấp. Bởi mỗi sào mía cho thu khoảng 15 triệu đồng/năm nhưng người trồng phải đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hết 5 triệu đồng, chưa kể chi phí thuê nhân công thì lợi nhuận chẳng là bao.
VUI NGƯỜI BÁN
Câu chuyện xung quanh cây mía từ cánh đồng ra quán nước cũng có nhiều điều để nói. Vì ngon, bổ, rẻ nên nước mía được nhiều người ưa chuộng. Đó là lý do mà khắp các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn và nhất là ở những công viên, quán nước mía hoạt động từ chiều đến đêm với bảng hiệu nước mía siêu sạch, nước mía khổng lồ với giá chỉ 5-6 ngàn đồng/ly. Chỉ vài bộ bàn ghế nhựa, một xe nước mía hoặc một máy xay tự động là người bán có thể sống đủ hoặc dư dả.
Dọc trục đường từ trung tâm hành chính huyện Hớn Quản qua thị xã Bình Long đến xã vùng sâu Thanh An (Hớn Quản) có hàng trăm quán nước mía. Chị Trần Thị Bích ở phường Phú Thịnh (Bình Long) có quán nước mía nhỏ ven đường với mức đầu tư trên 10 triệu đồng mua xe nước mía và bàn ghế. Chị cho biết: “Ngày nắng ráo riêng bán nước mía tôi cũng lời 200 ngàn đồng”. Chỉ với quán nước nhỏ ven đường đã đủ nuôi sống chị Bích và đứa con đang tuổi ăn học. Một chủ quán nước mía, thức ăn vặt bán tại khu vực trung tâm hành chính huyện Hớn Quản cho biết, đều đặn từ chiều đến đêm chị đẩy xe nước mía ra bán. Đêm đông khách riêng bán nước mía chị cũng lời trên 150 ngàn đồng.
Trở lại câu chuyện của bà Ngân, một trong số rất ít người trồng mía ở Hớn Quản, cho thấy người trồng rất vất vả, lam lũ, không chỉ lo chăm sóc, dịch bệnh mà còn phải chống chọi với thiên tai, vậy mà sau khi trừ chi phí lợi nhuận rất thấp. Thế nhưng người bán nước mía lại “ấm bụng”. Từ câu chuyện xung quanh cây mía đặt ra một vấn đề, khi nào chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ được thực hiện tốt thì lúc ấy người nông dân sẽ bớt thiệt thòi.
Nguồn Báo Bình Phước