Những người làm trong ngành du lịch như chúng tôi có thể nói rằng ngày 15-3 vừa qua – ngày mở cửa cho khách quốc tế – là ngày “khai sinh lại” ngành du lịch Việt Nam, “cứu sống” hàng vạn doanh nghiệp du lịch, hàng chục triệu lao động.
Và dịp lễ giỗ Tổ với những kết quả hồi phục ấn tượng của du lịch đã làm chúng tôi thêm tin du lịch “hồi sinh”.
Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi từng có suy nghĩ ngành du lịch sẽ biến mất sau đại dịch COVID-19. Ngành kinh tế tổng hợp đóng góp trực tiếp 10,4% GDP cả nước chưa bao giờ bi đát như trong hai năm vừa qua.
Nhưng bây giờ, tình hình đã khác.
Trong một tháng gần đây, công ty chúng tôi bắt đầu nhộn nhịp trở lại, kết nối lại các hệ thống đại diện trên thế giới, ký kết hợp đồng với các cơ sở trong nước, đón các đoàn famtrip… Trong tuần lễ giỗ Tổ Hùng Vương, công ty chúng tôi đã đón những đoàn du khách quốc tế đầu tiên.
Tôi theo dõi hoạt động du lịch và kết quả tại các điểm du lịch chính cả nước công bố khá ấn tượng trong ba ngày cuối tuần vừa qua, từ TP.HCM đến Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang, ra Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam quê tôi và các tỉnh phía Bắc. Hoạt động du lịch sôi nổi và số lượng đạt cao (dù chưa bằng được trước khi có dịch), thật đáng mừng cho du lịch Việt Nam, khẳng định ngành du lịch đang phục hồi sau hai năm “ngủ đông”.
Từ sự phấn khởi của du lịch dịp lễ giỗ Tổ, nhìn ra một làn sóng du lịch sẽ bùng nổ tiếp theo trong dịp 30-4 và 1-5 và các kỳ nghỉ dài ngày khác trong năm, ngành du lịch Việt Nam cần phải làm gì trong thời gian tới?
Theo tôi, ngành du lịch cần xác định đây là “cơ hội vàng” để xây dựng lại thương hiệu du lịch Việt Nam chuyên nghiệp hơn. Cần đánh giá lại cụ thể các lợi thế cạnh tranh của du lịch quốc gia để xây dựng một thương hiệu du lịch Việt Nam bền vững, đẳng cấp mới thời hậu dịch COVID-19.
Thứ hai, cần đầu tư tài chính đủ mạnh và đủ lớn để Tổng cục Du lịch triển khai quảng bá du lịch Việt Nam trên thế giới, như qua các kênh CNN, BBC, NHK… hoặc tổ chức làm các phim truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, kể cả mạnh dạn đầu tư hệ thống đại diện du lịch Việt Nam tại các quốc gia lớn trên thế giới. Việc này cần tham khảo kinh nghiệm du lịch của các quốc gia đã làm rất hiệu quả như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.
Thứ ba, các địa phương tự tin khuyến khích các cơ sở lưu trú, đơn vị du lịch mở cửa hoàn toàn đón khách. Nhà nước cần có chính sách chia sẻ hiệu quả với khối doanh nghiệp du lịch bằng các giải pháp tài chính hiệu quả, với điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn, như duy trì lãi vay thấp (5%) cho doanh nghiệp du lịch đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, cho vay lãi suất 0% chương trình đào tạo và đào tạo lại nhân sự, trả lương tuyển dụng mới cho nhân sự du lịch, thời hạn kéo dài đến hết năm 2022.
Thứ tư, các điểm tham quan chính trên cả nước cần miễn phí vé tham quan hoặc ít nhất giảm 50% vé tham quan tại các điểm tham quan chính do Nhà nước quản lý, tham gia kích cầu du lịch cùng với doanh nghiệp du lịch, áp dụng đến hết tháng 12-2022.
Thứ năm, mặc dù hiện tại các chính sách mở cửa du lịch trở lại đã thông thoáng, tuy nhiên cần kích hoạt kênh duyệt nhân sự cho khách du lịch đi lẻ (visa on arrival) gấp cho đối tượng này, tại vì không phải khách nào cũng có điều kiện hoặc xin visa online. Đồng thời nên kéo dài thời hạn visa cho khách quốc tế đến 30 ngày, chứ không phải 15 ngày như hiện nay, bởi vì có rất nhiều khách châu Âu, Mỹ, các quốc gia không được miễn visa có nhu cầu du lịch từ 15 – 21 ngày tại Việt Nam.
“Cơ hội vàng” không có nhiều, nhưng khi chúng ta đã thấy thì phải tận dụng và phát huy để du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi, trở lại như xưa và hơn nữa.
Nguồn; tuoitre.vn