LTS: Thời gian gần đây, một số sự việc đau lòng xảy ra đối với các em học sinh khiến người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh buộc phải nhìn nhận lại cách ứng xử của mình với con cái, cũng như cách thể hiện sự quan tâm đúng đắn để bảo vệ sự phát triển tốt nhất cho con. Luật sư Phan Anh, một độc giả của báo VietNamNet đã gửi tới VietNamNet những dòng chia sẻ.
Tôi luôn tự hỏi nguyên nhân gì khiến một người phải tự tìm đến cái chết. Phải chăng họ quá tuyệt vọng khi thấy cuộc sống bế tắc, không lối thoái và cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là kết thúc cuộc đời mình. Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là phải chịu sức ép dư luận, bị bôi nhọ trên các trang mạng xã hội, hoặc do nợ nần, bệnh tật, do bế tắc trong công việc… Đối với các em nhỏ vị thành niên thì đó là sức ép của việc học tập quá sức, chạy theo thành tích, bị bố mẹ ép học, thành tích thi cử, sở thích hoặc mong muốn cá nhân bị ngăn cấm, tự ái cá nhân khi bị mắng và nhiều nguyên nhân khác. Những vụ việc đau lòng xảy ra gần đây đối với các em vị thành niên đã dấy lên một hồi chuông báo động về tình trạng ngày càng có nhiều trẻ em vị thành viên tự tìm đến cái chết như một sự giải thoát những bế tắc, sức ép, sự chán chường mà các em gặp phải trong cuộc sống và trong học tập.
Hai năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, sự thua lỗ trong kinh doanh kèm theo những lo toan về cuộc sống, tình hình sức khỏe của bản thân và những khó khăn bế tắc trong công việc đã khiến tôi vô cùng mệt mỏi, chán chường, thậm chí bị trầm cảm. Nhiều hôm đi ngủ buổi tối, tôi chỉ mong sao mình sẽ không bao giờ tỉnh giấc. Thậm trí có lúc tôi đã từng nghĩ hay mình kết thúc đi cho nhanh để tìm sự thanh thản từ tâm, vứt bỏ hết mọi lo âu phiền muộn. Sự giải thoát sẽ là một sự kết thúc hoàn hảo nhất. Tuy vậy, mỗi khi nghĩ dại tôi lại tự đặt câu hỏi cho mình là nếu mình ra đi thì ai sẽ chăm sóc bố mẹ già của mình, lo hậu sự cho các cụ; các con còn nhỏ ai sẽ lo lắng chăm sóc, ai sẽ là chỗ dựa vững chắc cho người vợ, rồi những kế hoạch, công việc dang dở ai sẽ thực hiện, tài sản, công nợ ai sẽ xử lý … Sau khi trả lời được những những câu hỏi này, tôi lập tức dừng lại và thầm nghĩ mình không thể ra đi được và hãy nghiến răng lại mà sống, từng bước vượt qua khó khăn. Nghĩ thật đơn giản và không nghĩ quá xa.
Trong những lúc khó khăn nhất, tôi luôn được gia đình, bạn bè quan tâm, động viên mỗi ngày, giúp tôi vượt qua khó khăn, tinh thần phấn chấn. Thấy tôi lâu không lên Facebook, không tham gia hoạt động, có bạn ở xa thường xuyên nhắn tin hỏi thăm động viên, thăm hỏi. Có bạn ở gần rủ tôi đi ăn trưa, uống café và khuyến khích tôi nói ra những điều tôi đang nghĩ, đang giấu trong lòng và sau đó có những lời khuyên rất bổ ích đối với tôi. Dần dần tôi đã tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống, suy nghĩ lạc quan, tích cực và khẳng định mọi khó khăn đều có phương án, giải pháp xử lý cụ thể. Nếu mình có làm sai điều gì thì lỗi sẽ đến đó. Không nên quá nên quá lo lắng, phiền muộn khi mọi chuyện chưa xảy ra.
Từ câu chuyện thực tế của bản thân tôi rất thấm thía khi mình tuyệt vọng, bế tắc thì sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của người thân, bạn bè, đồng nghiệp là vô cùng quan trọng. Đối với các em vị thành niên thì đó là sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, thầy cô, là sự thấu hiểu những khó khăn, sức ép mà các em đang gặp phải. Đó còn là sự quan tâm, động viên, đồng cảm của bạn bè cùng lớp, hàng ngày chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với em.
Mỗi chúng ta trước hết hãy quan tâm chăm sóc bản thân mình và sau đó là những người xung quanh, kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm của người thân trong gia đình mình, quan tâm hơn nữa đến bạn bè, đồng nghiệp của mình để kịp thời động viên, chia sẻ và đưa ra giải pháp cụ thể. Đối với các em nhỏ vị thành niên, bố mẹ hãy luôn là những người bạn đáng tin cậy của con để con sẵn sàng chia sẻ khó khăn vướng mắc, những bức xúc trong long cùng bố mẹ giải tỏa ngay. Tùy theo năng lực học tập, sức khỏe của con, các bố mẹ sẽ hỗ trợ con xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với con, đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất các con, định hướng cho các con vừa học vừa chơi, tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động ngoài trời… Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn căn cứ năng lực học tập của từng em mà có phương pháp dạy cũng như giao bài tập hợp lý. Kết quả học tập của từng em cần được bảo mật và chỉ giáo viên, cá nhân em học sinh và gia đình được biết. Mỗi trường học nên có bác sỹ hoặc giáo viên chuyên trách về tâm lý học sinh, là địa chỉ các em có thể chia sẻ và tìm lời khuyên khi các em gặp khó khăn, bế tắc.
Cuộc sống luôn bộn bề nhất là khi còn đó những khó khăn, mất mát do đại dịch gây ra. Phải chăng điều đáng tiếc sẽ không hoặc hạn chế xảy ra, nếu các em nhỏ vị thành niên nhận được sự quan tâm, thấu hiểu, động viên, giúp đỡ thường xuyên và kịp thời của phụ huynh, của các thầy cô giáo, và những người bạn trong lớp. Phải chăng nếu các em nói ra được những tuyệt vọng và bế tắc của mình và sau đó tìm được chút ánh sáng cuối đường hầm.
Khó khăn lúc nào cũng có, chúng đến rồi lại đi, cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác lại mở ra, đi mãi rồi sẽ thấy ánh sáng cuối đường hầm. Suy nghĩ tích cực, sự lạc quan và nhất định sẽ đem lại niềm vui chiến thắng.
Khi kết thúc bài viết này tôi lại nghĩ đến câu hát “đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng” trong bài hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để nhắc nhở mình và để chuyển tải thông điệp đến những người thân, bạn bè tôi luôn có ý chí, nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách hàng ngày.
Nguồn: vietnamnet