Nổi lên trong số này là số đại gia “Đông Âu”. Họ là những học sinh xuất sắc được cử đi học ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Gặp thời khi các nước Đông Âu thay đổi thể chế, họ ở lại và làm giàu bằng trí tuệ, sức lực của mình. Với sự nhanh nhạy và sáng tạo, họ lập trung tâm thương mại, lập công ty, sản xuất những thứ mà Đông Âu cần.
Rồi đất nước đổi mới, bằng kinh nghiệm, bằng sự năng động sáng tạo, họ đưa vốn về nước lập công ty sản xuất và kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp xuất phát từ đất, làm giàu từ đất…
Đất nước nào cũng vậy, sự giàu có, vươn mình mạnh mẽ, đưa vị thế đất nước ra với thế giới… xuất phát từ đội ngũ doanh nhân. Nhiều người vừa có tâm, có tầm.
Còn nhớ những Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà… đã phải cạnh tranh gay gắt với ngay những ông trùm tư bản nước ngoài trên sân nhà.
Bạch Thái Bưởi được người đương thời và các thế hệ đi sau đánh giá là một nhà tư sản dân tộc, một doanh nhân giàu ý chí tự cường, một thương gia lớn, có tinh thần tự tôn dân tộc, một tâm hồn Việt… Cũng vì thế mà ông trở thành gương mặt nổi tiếng của 30 năm đầu thế kỷ XX và được xếp vào danh sách 4 người giàu có nhất Việt Nam thời kỳ này (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi). Lịch sử cũng thường nhắc đến ông như một “Chúa sông Bắc Kỳ”, “Vua tàu thủy Việt Nam”.
Nhìn ra nước ngoài, như Hàn Quốc, với dân số ít hơn chúng ta, mất không tới 60 năm để vươn lên vị trí thứ 10 thế giới. Những tập đoàn lớn, như Samsung, Daewoo, Hyundai… những “công nghệ giải trí” đã đưa văn hóa, kỹ thuật của họ ra với thế giới, làm rạng danh đất nước.
Dân số của chúng ta đứng hàng thứ 15 trên thế giới. Mục tiêu mà chúng ta cần nhắm tới là đưa nền kinh tế của ta cũng vươn đến vị trí này như của Hàn Quốc nhưng phải ngắn hơn và rất kỳ vọng vào đội ngũ doanh nhân của mình.
Làm giàu không phải là tìm hiểu luật rồi lách
Khát vọng là điều tuyệt vời nhưng cái tâm của những doanh nhân Việt phải được đặt lên hàng đầu. Làm giàu không phải bằng mọi giá, làm giàu phải bằng trí tuệ của mình chứ không phải tìm hiểu luật để lách luật, làm giàu trên sự đau khổ của người khác. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người phải liêm chính chứ chưa nói đến đội ngũ doanh nhân. Liêm “là trong sạch, không tham lam”, Chính “là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, không làm”.
Nhìn đội ngũ những người được gọi là “đại gia” của ta có nhiều người “tâm và tầm” vẫn là điều xa xỉ. Rất nhiều đại gia “chưa đỗ ông nghè” phải vướng vào vòng lao lý khi chưa đóng góp được gì cho đất nước mà chỉ mới làm lợi cho chính mình. Trước kia như Trầm Bê, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), Dương Bạch Diệp…và nay đang nổi lên một số đại gia đã và đang đi theo vết xe của bậc đàn anh.
Một người như Trịnh Văn Quyết được xem là “tuổi trẻ tài cao”, được coi là “của nội” chỉ trong vòng hơn một thập kỷ mà vươn lên không kém cạnh các bậc đàn anh “Đông Âu”. Ai cũng nghĩ đó là tấm gương nhưng đùng cái vướng vào vòng lao lý do thao túng thị trường chứng khoán.
Kiểu “nghiên cứu luật để phạm luật” như vậy thật ra nhiều người biết nhưng vì liêm, chính họ không làm. Khi xã hội còn chưa trưởng thành, luật pháp còn đang hình thành thì kiểu làm giàu “lách luật” có thể còn tồn tại, còn được “tha thứ”.
Giờ không có kiểu thu hồi đất rẻ như cho rồi sau phân lô bán đắt như vàng, hoặc ít ra ít còn tồn tại vì luật rõ hơn, dân trưởng thành hơn. Cái cách làm đó của đàn anh “Đông Âu” thời kỳ đầu không thể lập lại. Một phần vì những vị trí vàng, những khu “đắc địa” đã hết phần vì các địa phương không còn tư tưởng chạy theo dự án, cho dự án để có tiền vì luật pháp đã dần lấp đầy những lỗ hổng.
Tuy nhiên, cái cách làm của các đại gia không liêm chính vẫn còn tồn tại. Họ chưa đủ tầm để bứt phá bằng năng lực của mình mà nhờ thủ đoạn. Chuyện “thổi giá” như vừa qua cũng đã làm thị trường chao đảo là một điển hình cho việc đó. Trịnh Văn Quyết “thổi giá” cổ phiếu để ồ ạt bán kiếm lời… Đỗ Anh Dũng “thổi giá” đất Thủ Thiêm lên tận mây xanh “đắt nhất hành tinh” rồi sau đó không mua làm thị trường đất đai một phen chao đảo. Và ông vừa bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhiều người dân mất tiền cũng vì bị bọn đầu cơ, các đại gia “thổi giá” đất đai, gây những đợt sốt đất để kiếm lời.
Đại gia giàu lên nhờ bắt tay với quan chức là kiểu giàu nhanh và không liêm chính, không sòng phẳng. Họ đi đêm để có dự án, hoặc có dự án rồi họ thao túng để được chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhiều vụ án đem ra xét xử trong thời gian vừa qua đều ở tội danh này. Nhiều vị cán bộ chủ chốt cũng bị xét xử cùng tội danh.
Công bằng mà nói, có biết bao nhiêu đại gia không đi lên từ đất hoặc từ đất chỉ là giai đoạn đầu nhưng họ vươn lên làm giàu bằng trí tuệ và cái tâm của mình, không chỉ làm trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Đất nước đang rất cần những đại gia tầm cỡ và có tâm như vậy.
Nguồn: vietnamnet