Châu Âu phát hiện một số dòng biến thể COVID-19 tái tổ hợp gồm XD, XE, XF. Trong đó, biến thể XE có dấu hiệu lây truyền cao hơn 10% so với BA.2 Omicron.
Ở Việt Nam, Bộ Y tế vẫn đang giao một số cơ quan chuyên môn như Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Viện Pasteur TP.HCM lấy mẫu giải trình tự gene ngẫu nhiên để xem tiến trình phát triển của virus cũng như nguy cơ của dịch.
Các báo cáo hằng tuần cho thấy đến nay chưa ghi nhận biến thể XE tại Việt Nam mà chủng BA.2 đang chiếm ưu thế.
BA.2 cũng như BA.1, XD, XE, XF… đều là các biến thể phụ của chủng biến thể Omicron. So với chủng Omicron gốc, các biến thể này đều có thay đổi ít nhiều về khả năng lây truyền. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia là chưa đáng lo ngại.
BA.2 vẫn đang chiếm ưu thế tại Việt Nam
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, qua giải trình tự gene ngẫu nhiên bệnh nhân từ 25 tỉnh thành phía Bắc đến điều trị tại bệnh viện đã phát hiện các chủng virus gây COVID-19 biến đổi liên tục trong thời gian qua.
Cụ thể, tháng 12-2021 chủng Delta AY56 vẫn chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Đến tháng 1-2022 bắt đầu xuất hiện Omicron, đầu tiên là biến thể phụ BA.1 rồi sau đó là BA.2 của Omicron; khi đó, tỉ lệ Omicron là 10%, 90% là Delta.
Đến tháng 2-2022, Omicron tăng dần số mắc mới làm Delta và Omicron (BA.1, BA.2) phân bố khá đồng đều, mỗi biến thể ghi nhận trên dưới 50% số ca mắc. Sang tháng 3-2022, giải trình tự gene gần 200 mẫu cho thấy 95% ca mắc được giải trình tự gene là BA.2 của Omicron, chủng BA.2 hiện chiếm ưu thế gần như tuyệt đối.
Trong khi đó Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đơn vị cũng tiến hành giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm, cho biết chưa ghi nhận ca mắc biến thể XE, XD, XF… tại Việt Nam, mà chủ yếu ca mắc vẫn nhiễm chủng Omicron. Tuy nhiên, số lượng biến thể xuất hiện ngày càng nhiều, từ BA.1 và BA.2 nay còn ghi nhận cả biến thể “phụ của phụ” là BA.2.1, BA.2.2, BA.2.3…
Mỗi biến thể có một số khác biệt về sắp xếp bộ gene và chủ yếu thay đổi về tốc độ lây nhiễm. Trong đó càng về sau thì biến thể mới có dấu hiệu biến chuyển theo hướng biểu hiện lâm sàng của người bệnh nhẹ đi nhưng tần suất lây nhiễm lại tăng lên.
Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với Delta (khả năng lây lan nhanh hơn gấp đôi so với Delta; ở người chưa tiêm chủng, tỉ lệ này còn cao hơn). Trong khi đó XE lại lây truyền nhanh hơn Omicron gốc! Tuy nhiên, mức độ gia tăng lây lan khi so sánh Omicron và XE ghi nhận được mới khoảng 9,8%.
Chớ quá lo ngại
Theo báo SCMP, Cơ quan An ninh y tế của Anh (HSA) đang theo dõi 3 dòng tái tổ hợp: XD, XE và XF. Trong đó, XD là sự kết hợp giữa Delta và BA.1 – một dòng phụ của biến thể Omicron và được tìm thấy hầu hết ở Pháp, Đan Mạch và Bỉ. XF là sự tái tổ hợp giữa Delta và BA.1 và cũng chỉ phát hiện ở Anh. Cả 2 biến thể này có số ca bệnh rất thấp.
Tuy nhiên biến thể XE lại gây ồn ào nhất vì sự lây truyền nhanh. XE là sự tái tổ hợp của hai dòng con của biến thể Omicron, gồm BA.1 và BA.2, và chỉ được tìm thấy ở Anh.
Đến ngày 22-3, HSA đã xác định được 637 bệnh nhân của XE ở Anh. HSA nhận thấy XE có khả năng lây truyền cao hơn biến thể phụ BA.2 của Omicron đến 9,8%.
Giáo sư Susan Hopkins, cố vấn y tế chính của HSA, cho biết tốc độ ca bệnh XE đang tăng nhanh. Tuy nhiên, bà nói: “Cho đến nay vẫn chưa đủ bằng chứng để đưa ra kết luận về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng hoặc hiệu quả của vắc xin đối với biến thể XE”.
Bà Hopkins cũng nhấn mạnh: “Các biến thể tái tổ hợp không phải là bất thường. Một số biến thể tái tổ hợp đã được xác định trong quá trình diễn ra đại dịch cho đến nay. Cũng như các loại biến thể khác, hầu hết sẽ biến đi tương đối nhanh chóng”.
Giáo sư Peacock tại Đại học Hoàng gia London cho biết các biến thể như vậy vẫn có thể xác định bằng các xét nghiệm PCR tiêu chuẩn và bộ kiểm tra nhanh.
Đối với các vắc xin COVID-19, giáo sư Peacock cho biết vẫn còn quá sớm để biết hiệu quả chắc chắn và các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ các dữ liệu.
Phát biểu với Hãng tin ANI, giám đốc Viện Di truyền và xã hội Tata (TIGS), ông Rakesh Mishra, cho biết: “Dị nhân XE mới xuất hiện lần đầu tiên vào giữa tháng 1, nhưng tôi tin rằng không cần phải nhấn một nút “hoảng sợ””.
Bệnh nhân mắc chủng Omicron hồi phục tốt hơn
Ngày 3-4, WHO cảnh báo biến thể XE có thể dễ lây truyền và cho biết “sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá chặt chẽ”. Tuy nhiên, vào lúc này WHO cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể mới này mạnh đến mức có thể gây ra một làn sóng.
Tại Việt Nam, báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết tỉ lệ hồi phục ở bệnh nhân mắc chủng Omicron (đã tiêm đủ vắc xin) là cao hơn 20% so với trước kia (ở mức 96%), trong khi các chủng trước kia tỉ lệ hồi phục chỉ đạt 80%, số còn lại có thể gặp các hội chứng COVID-19 tiếp diễn hoặc hậu COVID kéo dài tới hơn 12 tuần tính từ khi mắc bệnh.
Nguồn: tuoitre.vn