Thời gian gần đây, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) có phần trầm lắng do bị cắt giảm các nguồn kinh phí. Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nên dù thu ngân sách gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh luôn dành một khoản kinh phí nhất định cho hoạt động này. Vì vậy, sau nhiều năm không thực hiện chiến dịch tăng cường, thời gian tới hoạt động này sẽ trở lại nhằm góp phần củng cố công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.
CƠ SỞ GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN
Tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ 6 tháng đầu năm 2017 huyện Bù Đăng, nhiều cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ đã kiến nghị và đề nghị lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ, Phòng Y tế, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện giải đáp vấn đề khi nào cộng tác viên dân số mới được nhận đủ khoản phụ cấp 150 ngàn đồng/tháng đã “nợ” họ từ tháng 6-2016 đến nay? Một cán bộ chuyên trách xã cho biết: Có cộng tác viên hỏi thẳng tôi là “có trả không?” Qua thăm hỏi, động viên đội ngũ này, tôi cho rằng họ không đặt nặng số tiền phụ cấp vì so với giá cả hiện nay rất thấp, nhưng phụ cấp chính là sự ghi nhận nhiệt tình đóng góp của cộng tác viên với xã hội nên ai cũng trông chờ. Trong những tháng đầu năm, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bù Đăng cũng nhiều lần trực tiếp bị cộng tác viên dân số “đòi” trả lại sổ quản lý hộ gia đình, bày tỏ ý định không làm nữa vì không có phụ cấp. Hiện một số cộng tác viên ở xã Minh Hưng đã nghỉ việc.
Cộng tác viên dân số (ngoài cùng bên phải) vận động kế hoạch hóa gia đình tại nhà dân ở xã Bình Minh (Bù Đăng)
Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ các xã Thống Nhất, Đăng Hà, Đắk Nhau… cũng bày tỏ trăn trở về số hộ sinh con thứ 3 ở xã tăng cao; việc tuyên truyền, vận động các biện pháp tránh thai bền vững không đạt chỉ tiêu giao; đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gặp khó khăn do không có kinh phí… Ông Trần Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết: Việc giao chỉ tiêu, ngân sách chậm, trang thiết bị hư hỏng, đội ngũ cộng tác viên biến động… khiến các hoạt động giậm chân tại chỗ. Các nguồn thuốc phục vụ chương trình mục tiêu đến nay chưa giao nên không thể đáp ứng nhu cầu đối tượng miễn phí. Các dịch vụ phục vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)-KHHGĐ đều bị cắt giảm; các đề án nâng cao chất lượng dân số chỉ được duy trì, không có kinh phí hoạt động nên ảnh hưởng lớn đến mục tiêu DS-KHHGĐ của huyện.
30 XÃ SẼ ĐƯỢC TÀI TRỢ THỰC HIỆN CHIẾN DỊCH
Ngày 8-6-2017, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đến vùng đông dân, có mức sinh cao, vùng khó khăn năm 2017. Do kinh phí từ Trung ương chưa được cấp nên chiến dịch lần này hoàn toàn bằng nguồn hỗ trợ của ngân sách tỉnh với mức đầu tư và quy mô hạn chế. Vì vậy, chỉ có 30 xã/8 huyện được thụ hưởng chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ năm 2017. Sở Y tế cũng đề nghị UBND các huyện, thị xem xét, hỗ trợ thêm kinh phí cho trung tâm DS-KHHGĐ để triển khai thực hiện chiến dịch hiệu quả hơn. Dự kiến, chiến dịch sẽ được thực hiện từ ngày 15-7 đến 15-8-2017 với mục tiêu đạt và vượt 60% kế hoạch năm về chỉ tiêu gói KHHGĐ.
Chị Nông Thị Miềng, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Bom Bo cho biết: Những năm gần đây, nhận thức của nhân dân về công tác DS-KHHGĐ thay đổi rõ nét. Nhiều chị em đã chủ động tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn chăm sóc SKSS và thực hiện KHHGĐ. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có tư tưởng “trời sinh voi sinh cỏ”, đẻ nhiều con để có nhân lực lao động. Một số hộ đồng bào theo đạo Công giáo ngại tiếp cận và thực hiện KHHGĐ. Hộ kinh tế khá sinh con thứ 3 vì mong muốn “đông của phải đông con”… đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu giao hằng năm. “Nhiều năm trước, có chiến dịch chúng tôi vận động hiệu quả hơn vì dịch vụ được cấp tận nơi, lại miễn phí. Nhiều phụ nữ ở đây rất muốn được chăm sóc sức khỏe nhưng vì điều kiện khó khăn nên không chủ động thăm khám, có chị khi phát hiện bệnh thì đã quá muộn” – chị Miềng nói.
Ông Trần Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bù Đăng cho biết thêm: Trước tiên, trung tâm sẽ ổn định bộ máy cấp xã, đội ngũ cộng tác viên dân số. Rà soát các chỉ tiêu KHHGĐ, nhất là những chỉ tiêu khó đạt để tập trung chỉ đạo thực hiện. Năm nay, huyện Bù Đăng được tỉnh đầu tư thực hiện chiến dịch tại 5 xã, trung tâm sẽ tham mưu huyện tổ chức cho 16/16 xã hưởng ứng chiến dịch.
Nguồn Báo Bình Phước