Nền kinh tế đang có chiều hướng sôi động trở lại, nhiều người bỏ phương án an cư xong mới lập nghiệp, chuyển sang thuê nhà trọ, dành tiền mang đi đầu tư bất động sản hay chứng khoán hòng thu lời lớn.

Có tiền đi thuê, quyết không mua nhà

Anh Nguyễn Công Huy sinh năm 1990 ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, hai năm vừa qua, nhờ đầu tư lướt sóng bất động sản, nay trong tay anh có số vốn trên 1,5 tỷ đồng.

Gia đình anh có 4 nhân khẩu, sinh sống tại một khu đô thị ở Hà Đông. Đang làm ăn vào cầu, anh Huy muốn tăng số vốn lên hơn nữa để tiếp tục đầu tư bất động sản và thêm mảng chứng khoán. Do đó, anh bàn với vợ bán căn hộ đang sinh sống để lấy tiền đầu tư, rồi cả nhà đi thuê một căn hộ khác ở. Anh Huy rất mừng khi kế hoạch kinh doanh của mình nhận được sự đồng thuận từ bà xã.

“Hiện nay, có rất nhiều căn hộ đẹp, tiện nghi đầy đủ cho thuê giá trên dưới 10 triệu đồng/tháng, hơn nhiều căn hộ nhà mình đang sống. Nên đi thuê nhà ở, số tiền từ bán căn hộ mình có thể đầu tư. Nếu thắng lớn, khi đó có thể mua vài căn như thế. Để vốn chết thì tiền tiết kiệm từ đồng lương hàng tháng không được bao nhiêu”, anh Huy tâm sự.

Máu liều ăn nhiều: Bán nhà đi ở thuê, ôm tiền tỷ lao vào sốt đất
Nhiều vợ chồng trẻ đi thuê nhà ở chứ không mua, dành tiền để đầu tư

Về độ rủi ro, anh Huy cho hay: “Đầu tư nhiều năm, cũng có lúc mình thất bại. Tuy nhiên, sau từng ấy năm mình rất tự tin, đến giờ sinh lời cả tỷ đồng. Hơn nữa, tiềm năng bất động sản trong năm 2022 vẫn rất lớn”, anh nói.

Năm 2019, anh Nguyễn Văn Toàn quyết định bán đất nền trong một con ngõ nhỏ ở đường Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy (Hà Nội) thu về hơn 5 tỷ đồng. Anh dự định sẽ thuê chung cư cho cả nhà, số tiền bán nhà anh để đầu tư vào bất động sản và một khoản đầu tư vào chứng khoán.

Anh nghĩ, 5 tỷ đồng có thể mua được một căn hộ hạng sang, nhưng sau 5 năm, số tiền đó sinh lời không đáng kể. Ngược lại, nếu đem đi đầu tư sẽ sinh lời gấp rưỡi, gấp đôi.

“Năm 2020, đất Hòa Lạc sốt mạnh, mình dồn vào đó hơn nửa số tiền bán nhà, lời cũng gần 2 tỷ đồng. Nay đất Hòa Lạc hết sốt, mình chuyển đầu tư sang vùng khác. Còn đầu tư chứng khoán thì tài khoản đang dương hơn 100 triệu”, anh Toàn khoe.

Vợ chồng anh Minh chị Hoa, ngụ ở Hoàng Mai (Hà Nội) thì cưới nhau được hơn 2 năm, nay vợ chồng anh chị và con trai gần một tuổi vẫn đang ở nhà thuê tại một khu trọ trên đương Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân.

Anh Minh cho hay, trước khi lấy vợ, bố mẹ anh có ý định mua nhà cho hai vợ chồng. Tuy nhiên, anh không mua mà dành toàn bộ số tiền đó đầu tư bất động sản và chứng khoán.

“Mình còn trẻ, với lại có khoản hồi môn coi như đó là vốn làm ăn, tạm thời sống ở nhà thuê cũng không sao, để dành đầu tư, nếu may mắn tài sản hai vợ chồng nhân lên gấp nhiều lần như thế”, anh Minh phân tích.

Máu liều ăn nhiều: Bán nhà đi ở thuê, ôm tiền tỷ lao vào sốt đất
Nhiều người vẫn âm thầm đầu tư vào bất động sản và chứng khoán 

Linh động nguồn vốn

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc một số người chọn ở nhà thuê để lấy tiền mặt ra đầu tư là hình thức linh hoạt về tài chính. Hiện nay, các kênh đầu tư như bất động sản và chứng khoán, tiền điện tử… đang rất sôi động. Tuy nhiên, đây không phải là sân chơi cho người ăn chắc mặc bền do luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thành hay bại, ngoài sự may mắn, nhà đầu tư phải có trình độ, kiến thức và kinh nghiệm.

Theo tâm lý chung, phần lớn nguời Việt tích góp tiền mua được căn nhà, ngoài việc ổn định chỗ ở nhưng cũng là hình thức đầu tư tích lũy, chờ giá lên. Đó là một dạng đầu tư kép, có ưu điểm là tạo ra giá trị bền vững, ổn định. Tuy nhiên, nhược điểm là sẽ mất đi những cơ hội đầu tư kinh doanh, khó tạo ra sự đột phá về tài sản.

Trong khi đó, thuê nhà để ở là hình thức dồn toàn bộ số tài sản mình đang có để đầu tư. Đó thường là những người mạo hiểm, không e ngại ở trọ, có thể chuyển nay đây mai đó, không thích sự ổn định.

Như anh Hải ở Trần Duy Hưng (Hà Nội), kể rằng: “Minh là người thích sự ổn định. Trong khi bạn bè tài sản ai cũng tăng lên đáng kể trong thời gian ngắn, thì mình chỉ có tài sản lớn là chính ngôi nhà đang ở. Đó tài sản nhiều năm không đột biến”.

Còn anh Liêm, ngụ tại Quang Trung – Hà Đông, cảm thấy tiếc nuối do không quyết đoán thế chấp sổ đỏ ngôi nhà gia đình đang ở để lấy vốn đầu tư, trong khi giá bất động sản tăng chóng mặt. Anh Liêm tâm sự: “Bây giờ ngẫm lại thấy tiếc cho những cơ hội tự mình đánh mất, nay có muốn thì thị trường cũng không còn sôi động như trước.”

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đầu tư bất động sảnđầu tư tài chính

Các tin liên quan đến bài viết