Chính phủ sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống.

Tại Nghị quyết Chương trình phòng chống dịch Covid-19 được ban hành ngày 17-3, Chính phủ cho biết chủ trương là bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong.

Đồng thời, căn cứ tình hình dịch bệnh để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.

Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm nhóm A là những bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Trong khi đó, nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Tại chương trình này, Chính phủ đặt mục tiêu đến hết quý I, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân 12-18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em 5-12 tuổi trước tháng 9 năm nay.

Đồng thời, tỷ lệ tử vong do Covid-19/triệu dân được giảm xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.

Tất cả cấp chính quyền được yêu cầu có kịch bản phòng, chống dịch Covid-19. Người dân tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.

Chính phủ yêu cầu nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; đồng thời tăng chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

100% trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã, y tế tại cơ sở giam giữ, bệnh xá trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang sẽ được tăng cường năng lực để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Về nhiệm vụ và giải pháp y tế, Chính phủ yêu cầu thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Chương trình được thực hiện trong hai năm 2022-2023.

Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình.

Nguồn: Zing

Từ khóa : biện pháp phòngChống Dịch Covid-19COVID-19

Các tin liên quan đến bài viết