Hồi chuông cảnh báo cha mẹ cần theo dõi con dùng mạng xã hội lại nhận được sự quan tâm khi một phụ huynh đăng tin con mình tham gia vào các hội nhóm không phù hợp với lứa tuổi trên mạng xã hội.
“Mạng xã hội là môi trường mở”
Chị Mai Xuân (kinh doanh tự do, ngụ tại Long An) có con trai đang trong độ tuổi tìm hiểu những vấn đề mới mẻ. Vợ chồng chị vẫn theo dõi những hoạt động trên mạng của con qua tương tác, quản lý tài khoản Google và trò chuyện mỗi ngày.
“Vì tính chất công việc nên mình dùng mạng xã hội nhiều và biết đây là môi trường mở, cho con chơi là chấp nhận rủi ro, nhưng trong tầm kiểm soát của cha mẹ”, chị nói.
Có cùng quan điểm không cấm con dùng Facebook, chị Mộng Lành (53 tuổi, ngụ tại Tân Bình, TP.HCM) có con trai dùng mạng xã hội từ năm 12 tuổi cho biết: “Càng cấm càng làm, nên tôi không cấm. Nhưng nếu không đáp ứng tiêu chí hai bên đặt ra, tôi sẽ tịch thu điện thoại hoặc thực hiện những biện pháp cứng rắn hơn”.
Chị Ngọc Bích (51 tuổi, ngụ tại Gia Lai) từng “chốt” các vấn đề liên quan đến mạng xã hội với con như: không được dùng quá nhiều, không nên chia sẻ chuyện cá nhân công khai, không dùng mạng làm không gian để nổi loạn, có những lời lẽ, hành động khiếm nhã, không xem hoặc tham gia vào các hội nhóm xấu…
Cha mẹ ứng xử theo cách nhẹ nhàng
Dù không nhận xét về cách dạy con, các bậc cha mẹ thấu hiểu và có chung cảm xúc với trường hợp phụ huynh đăng thông tin con tìm hiểu chuyện người lớn lên mạng xã hội.
“Tôi biết mẹ bé muốn chấn chỉnh con mình, nhưng cũng cần xem xét đừng để con bị tổn thương tâm lý. Tôi xin nhấn mạnh rằng chuyện các em muốn tìm hiểu không xấu, chỉ xấu là đã tìm hiểu sai cách vì không có sự đồng hành của người lớn”, chị Bích chia sẻ.
“Đóng cửa bảo con” và mở lòng để trở thành người bạn, “quyển sách” và người cố vấn, giờ đây chị Bích và con đã có thể thoải mái trò chuyện, cùng nhau mở rộng thế giới quan và tận hưởng “thế giới ảo”.
Từng phát hiện con mình tìm hiểu chuyện yêu đương và chuyện người lớn trên môi trường ảo, chị Nguyễn Thị Lan (ngụ tại Tân Bình) cũng hoảng hốt không kém. Cùng chọn cách đăng lên mạng xã hội nhưng trong hội nhóm kín cho các bậc phụ huynh dưới tài khoản giả, chị đã tìm ra cách để không làm con cảm thấy ngột ngạt hay phản ứng ngược.
“Dù bé ngại, mình vẫn cần thẳng thắn quan tâm và hỏi han như những người bạn, vì tôi biết rằng con làm vì không biết điều đó là sai hay đúng”, chị Lan cho biết.
Theo chị, phản ứng gay gắt, cấm đoán chỉ thêm phần kích thích cho sự tò mò, khám phá và vô tình mất kiểm soát với con.
Trở thành nguồn thông tin cho con học hỏi
Tâm sinh lý là chuyện khó tránh khỏi, vì đây là vấn đề thuộc về bản năng. Thay vì cấm cản một cách thái quá, phụ huynh có thể trở thành một nguồn thông tin và có trách nhiệm giúp con hiểu rõ vấn đề con thắc mắc.
Chị Bích bộc bạch: “Tôi nghĩ chúng ta – những người lớn – nên nhìn nhận lại việc giáo dục giới tính cho con trẻ. Tôi có hai đứa con và từng cấm cản, nhưng tôi nhận ra rằng việc chúng ta cởi mở tâm sự với các con về vấn đề này sẽ giúp tạo nên một vùng trời an toàn để các con có thể vẫn biết những chuyện nhạy cảm nhưng không đi quá xa, quá lố”.
Vợ chồng chị Mai Xuân lại chọn cách quản lý con gián tiếp từ xa vì biết tính con hay ngại ngùng: “Chúng mình thường bàn nhau trước những vấn đề muốn nhắc nhở con, sau đó sẽ làm như vô tình nói chuyện để con chú ý và sửa chữa chứ không góp ý trực tiếp, bởi con sẽ có không gian để suy nghĩ và tránh được sự xấu hổ ngoài ý muốn”.
Chị Lan khẳng định: “Tôi sẽ không ngại giải thích nếu con có các câu hỏi liên quan tới chuyện người lớn, nhưng sẽ không trả lời quá sâu để con biết mình chưa phù hợp để tìm hiểu chi tiết về vấn đề này”.
Ngoài ra, các phụ huynh ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chương trình giáo dục giới tính, tâm sinh lý ở trường. Qua đó, con trẻ có thêm một kênh thông tin để học hỏi và tránh những tư tưởng lệch lạc, sai lầm của tuổi dậy thì.
Nguồn: tuoitre.vn