Người dân Nga đang đổ xô đến các máy ATM và chi nhánh ngân hàng để rút tiền mặt, cả bằng đồng ruble và USD, do lo ngại đồng tiền mất giá và không thể sử dụng trong hệ thống thanh toán quốc tế.

Nga bị loại khỏi SWIFT, người dân đổ xô đi rút tiền mặt - Ảnh 1.

Người Nga xếp hàng rút tiền tại các ATM 

Người Nga đổ xô đi rút tiền

Nhiều người đã tìm cách rút ngoại tệ ngay sáng sớm 24-2, sau quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, khiến đồng ruble xuống mức thấp nhất trong lịch sử (89,60 ruble/USD), theo báo Financial Times.

Phóng viên của Financial Times cho biết một số chi nhánh của các ngân hàng quốc tế đã hết sạch tiền USD vào giữa ngày hôm đó.

Việc rút tiền mặt tiếp tục diễn ra vào cuối tuần trước khi các nước EU nhất trí biện pháp nhằm hạn chế khả năng sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga và loại bỏ một số tổ chức tài chính của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Lo lắng sẽ không thể thanh toán bằng thẻ Visa và Mastercard, người dân Nga đã nhanh chóng đi rút tiền mặt.

Vào cuối ngày 26-2, một số người đã ngồi tại các ngân hàng trước các máy ATM đã cạn tiền để chờ những lô tiền mặt được bổ sung. Nhiều người khác đã xếp hàng từ đầu ngày 27-2.

“Tôi muốn có một khoản tiền mặt có thể chi tiêu hằng tháng phòng trường hợp thẻ tín dụng có trục trặc. Tôi đã gặp vấn đề khi thanh toán tiền taxi bằng Google Pay vào hôm qua”, Ekaterina, một cư dân Matxcơva, cho biết.

“Tôi không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra, vì vậy tôi muốn có tiền mặt”, cô nói thêm.

Vladimir, một lập trình viên 28 tuổi, cho biết khi xếp hàng dài chờ đợi ở một cây ATM ở một trung tâm mua sắm ở Matxcơva: “Tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra. Tôi bị sốc”.

Tác động tới các ngân hàng Nga

Việc người dân đổ xô đi rút tiền đang khiến các chủ ngân hàng lo lắng về ảnh hưởng đối với hệ thống ngân hàng.

Một giám đốc điều hành tại một ngân hàng phương Tây ở Matxcơva giấu tên nói với Financial Times: “Hoạt động rút tiền mặt của họ đang gây hại cho Nga, tính thanh khoản của các ngân hàng đang giảm xuống”.

Các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương đã hạn chế khả năng sử dụng ngoại hối của ngân hàng này, vốn được dùng để ổn định đồng ruble.

Hôm 27-2, Ngân hàng Trung ương Nga đã trấn an thị trường sẽ đảm bảo đủ thanh khoản tiền ruble và không đặt giới hạn cho các ngân hàng vay tiền.

“Hệ thống ngân hàng Nga ổn định, có đủ vốn dự trữ và thanh khoản để hoạt động mà không bị gián đoạn trong bất kỳ tình huống nào. Tất cả các khoản tiền của khách hàng đều được bảo mật và sẵn sàng”, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết trong một tuyên bố.

Hệ thống thanh toán nội địa của Nga, được phát triển trong trường hợp các ngân hàng của quốc gia này bị loại khỏi SWIFT, sẽ tiếp tục hoạt động “trong mọi tình huống”, tuyên bố cho biết thêm.

“Ngân hàng Trung ương sẽ cố gắng hỗ trợ [đồng ruble], câu hỏi là trong bao lâu”, một nhân viên ngân hàng giấu tên nói.

Ông Putin đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất được áp dụng đối với một nền kinh tế lớn trong ít nhất một thế hệ, theo tờ Bloomberg.

Đồng ruble đã giảm gần 30% xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với USD vào ngày 28-2, khi thị trường mở cửa giao dịch vào ngày đầu tiên sau khi các quốc gia phương Tây tuyên bố trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Cụ thể, đồng ruble giảm xuống mức thấp nhất là 119 ruble đổi 1 USD, giảm 28,77% so với lần gần đây nhất ở mức 118 ruble đổi 1 USD, sau tỉ giá 83,64 ruble đổi 1 USD ở thời điểm đóng cửa ngày 26-2.

Ngân hàng Trung ương Nga tuần trước cho biết đang tăng cường cung ứng tiền mặt tại các cây ATM để đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân, đồng thời đưa ra tuyên bố ngày 27-2 cho biết “không có sự gián đoạn” trong nguồn cung đồng ruble. Tuy nhiên, tuyên bố trên không đề cập đến các lệnh trừng phạt hay vấn đề ngoại tệ.

Lần gần đây nhất Nga đối mặt với sự thiếu hụt tiền mặt là vào năm 2014, khi giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên nước này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Đồng rubleHệ thống thanh toán swiftNgaUkraine

Các tin liên quan đến bài viết