Đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, có vị trí chiến lược, án ngữ toàn bộ phần bờ biển Bắc Trung Bộ, có vai trò quan trọng trong phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Cồn Cỏ được mệnh danh là đảo “thép”, với hơn 1.500 ngày đêm chiến đấu kiên cường đối mặt với mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Ngày nay, đảo Cồn Cỏ đang được xây dựng, phát triển để biến đảo “thép” thành đảo “ngọc”, lấy việc phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa làm trọng tâm.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, Cồn Cỏ là đảo thép tiền tiêu của miền Bắc XHCN. Một hòn đảo nhỏ diện tích tự nhiên chỉ vỏn vẹn 230 ha; quân, dân trên đảo đã phải đương đầu suốt 1.500 ngày đêm, chiến đấu gần 1.000 trận lớn nhỏ, với hàng trăm đợt máy bay và tàu chiến kẻ thù ném bom, bắn phá, hòng chiếm giữ đảo. Quân, dân Cồn Cỏ đã chung lưng đấu cật, kiên cường chiến đấu giữ đảo “một tấc không đi, một li không rời” và đã bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch. Gần 200 đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, chọn mảnh đất thiêng nằm lại để hun đúc nên ý chí kiên cường của một “chiến hạm thép” anh hùng mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc…
Đảo Cồn Cỏ – ảnh internet
Trong cuộc chiến đấu sinh tử đó quân, dân Cồn Cỏ đã làm tròn nhiệm vụ trung chuyển sức người, sức của vào chiến trường miền Nam. Chỉ trong 4 năm (1964-1968), quân và dân Vĩnh Linh đã có hơn 4.000 chuyến thuyền tiếp tế với hơn 2.500 tấn hàng hóa, vũ khí ra đảo. Để ngăn chặn và cắt đứt tuyến đường chi viện của ta, Mỹ – ngụy đã nhiều lần cho quân đổ bộ, vây ráp, ném bom, đánh phá rất ác liệt. Nhưng bằng niềm tin và ý chí bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, quân và dân Cồn Cỏ đã anh dũng chiến đấu chặn đứng, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù. Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, quân, dân đảo Cồn Cỏ 2 lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 3 lần vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen và đề tặng 2 câu thơ: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.
Cồn Cỏ vốn là cái rốn bom đạn của giặc Mỹ, thế nhưng ngày nay, Cồn Cỏ đã hồi sinh, vẫn giữ được màu xanh nguyên vẹn của những cánh rừng, vẻ đẹp hoang sơ và đa dạng sinh học biển. Đảo Cồn Cỏ hiển hiện một địa danh đầy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô, là khu vực tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao và đặc hữu. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đảo thuộc dạng quý hiếm với gần 80% diện tích trên đảo là rừng. Đến thăm đảo Cồn Cỏ, du khách có dịp chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ của rừng già. Hệ thống rừng ở đảo Cồn Cỏ với nhiều loại cây đã sống lâu năm, xen giữa rừng có một số cây dược liệu, tạo nên sự phong phú đa dạng về hệ sinh thái.
Là hòn đảo trong vùng biển Quảng Trị, Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng, cách đất liền điểm gần nhất 13 hải lý; điểm cao nhất so mặt nước biển 63,4m. Cồn Cỏ có vị trí quan trọng về quân sự, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, cảnh giới cho miền Bắc và là điểm chốt phía Nam vịnh Bắc Bộ. Đảo Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo, các bãi tắm nhỏ hoang sơ, nước biển trong xanh, nhiệt độ ổn định. Động vật trên đảo tuy không nhiều nhưng chủng loại khá độc đáo. Đặc biệt, Cồn Cỏ có loài cua đá nổi tiếng vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước và là động vật được bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo Báo Bình Phước