Nhập khẩu ô tô theo dạng quà biếu, quà tặng thủ tục ngày càng chặt chẽ. Cho dù không tác động nhiều tới thị trường ô tô nhưng con đường này vẫn bị kiểm soát chặt.
Biếu tặng ô tô: Xe rẻ 2 – 10 tỷ đồng
Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu Hải quan các tỉnh, thành cần tăng cường quản lý xe ô tô nhập khẩu, không nhằm mục đích thương mại. Cụ thể, là kiểm soát chặt chẽ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu xe, đảm bảo đầy đủ các chứng từ phù hợp và thống nhất. Trường hợp cần làm rõ lý do cho, biếu, tặng, thể hiện tại văn bản thông báo; hoặc xác nhận hoặc thỏa thuận cho, biếu, tặng thì đề nghị tổ chức, cá nhân bổ sung văn bản, giấy tờ chứng minh… Khi cấp giấy phép phải sao gửi toàn bộ hồ sơ về Tổng cục Hải quan để kiểm tra, kiểm soát.
Thời gian gần đây, Tổng cục Hải quan liên tục yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý xe ô tô nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại. Lý do là xe nhập khẩu dạng quà biếu, quà tặng đang tăng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xe ô tô biếu, tặng chủ yếu được nhập về TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng. Riêng Cục Hải quan TP.HCM năm 2021 đã cấp giấy phép cho 95 trường hợp, trong khi năm 2020 chỉ có 41 trường hợp. Đa số xe nhập về từ 7 chỗ ngồi trở xuống, mới 100%, tập trung vào những thương hiệu xe sang như: Lexus, Mercedes, Bentley… có giá từ vài tỷ đồng tới cả chục tỷ đồng
Nhập khẩu ô tô theo dạng quà biếu, quà tặng thủ tục ngày càng chặt chẽ. |
Từ năm 2017 việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô, đã được bổ sung vào ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Ngay sau đó, Nghị định 116/2017 của Chính phủ yêu cầu các DN sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam phải được cấp phép, với các điều kiện chặt chẽ.
Chẳng hạn, với DN nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh được quyền thay mặt DN sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài, thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam…
Với quy định này, hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc không chính hãng, đã bị ngăn chặn hoàn toàn. Tuy nhiên, xe ô tô thuộc diện quà biếu, tặng không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 116. Tức là, xe không cần ủy quyền chính hãng về triệu hồi sản phẩm khi gặp sự cố… Đây là “khe cửa hẹp” để những chiếc xe độc, lạ vẫn có đường về Việt Nam.
Theo quy định, mỗi năm, mỗi DN Việt Nam chỉ được nhận 1 xe quà biếu. Vì vậy, trước đây, các DN thường lựa chọn chiếc xe có giá trị lớn để có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, do thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao, khiến xe siêu sang, siêu xe đội giá cao ngất ngưởng ít người kham nổi. Gần đây, xe biếu, tặng tập trung nhiều vào phân khúc “rẻ” hơn, trong tầm giá từ trên 2 tỷ đến 10 tỷ đồng.
Tổng cục Hải quan liên tục yêu cầu hải quan các địa phương tăng cường quản lý xe ô tô nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại. |
Một trong những mẫu xe được nhiều người ưa chuộng là Toyota Sienna. Giá chiếc xe này (bản Limited AWD) tại Mỹ vào khoảng 46.000 USD (hơn 1 tỷ đồng), khi nhập về Việt Nam dưới dạng quà tặng, cộng các loại thuế phí, có giá bán khoảng 4 tỷ đồng. Nhưng đây là hàng hiếm bởi tại Việt Nam Toyota không phân phối mẫu xe này.
Một mẫu xe khác cũng được nhiều đại gia ưa chuộng là chiếc Lexus LX 570 hàng Trung Đông nhờ sự vượt trội về tính năng và công nghệ. Nhập khẩu về nước theo con đường biếu, tặng, giá xe khoảng 9,5 tỷ đồng, cao hơn so với LX 570 nhập khẩu chính hãng là 8,3 tỷ đồng.
Soi kỹ hồ sơ nhập khẩu
Tuy nhiên, những DN nhập khẩu ô tô theo dạng này cho biết, thủ tục ngày càng chặt chẽ. Quan trọng nhất là phải chứng minh được mối quan hệ làm ăn gắn bó lâu dài với đối tác biếu, tặng ô tô. DN mới thành lập hay mới có mối quan hệ làm ăn thường bị xem xét, kiểm soát rất chặt. Thời gian qua, không ít DN bị từ chối cấp phép nhập xe quà biếu.
Chẳng hạn, vào cuối tháng 6/2021, một DN tại Phú Quốc (Kiên Giang) gửi hồ sơ xin cấp giấy nhập khẩu ô tô diện quà biếu. Qua kiểm tra hồ sơ thấy DN này có ngành nghề kinh doanh buôn bán ô tô, nhưng tra cứu dữ liệu, không thấy có hoạt động mở tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu. Cục Hải quan Kiên Giang đã có văn bản xin ý kiến của Tổng cục Hải quan và nhận được chỉ đạo, DN này không đủ căn cứ để nhập khẩu ô tô dưới dạng quà biếu, tặng.
Thời gian qua, đã có không ít DN bị từ chối cấp phép nhập xe quà biếu. |
Những lý do cho nhận xe thể hiện trong hồ sơ thủ tục nhập khẩu chung chung như: sau một thời gian hợp tác, thấy mối quan hệ tốt đẹp nên DN nước ngoài muốn biếu, tặng để có sự gắn kết bền chặt; hoặc do DN tại Việt Nam đã hỗ trợ trong việc tiếp cận thị trường, tư vấn, giúp đỡ tìm hiểu chính sách, pháp luật đầu tư kinh doanh… đến nay đều bị “soi” rất kỹ.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan còn cho rằng, mức giá khai báo của DN với nhiều mẫu xe biếu, tặng nhập về rất thấp. Những mẫu xe sang ở nước ngoài có giá tới hơn 100.000 USD nhưng về cảng DN chỉ khai báo từ 15.000-40.000 USD, mục đích là để lách thuế.
Tuy nhiên, các DN nhập khẩu lại cho rằng, đó chỉ là giá khai báo ban đầu, cơ quan Hải quan chưa bao giờ chấp nhận và đều có bảng giá tham chiếu riêng. Vì vậy, không thể lách thuế được. Chi phí nhập xe biếu, tặng thường cao hơn từ 15-20% so với xe mới nhập khẩu chính hãng. Ngoài các mức thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng như xe nhập chính hãng, xe quà tặng còn chịu thêm thuế thu nhập cao.
Theo số liệu của ngành Hải quan, hàng năm cả nước có chưa đến 10.000 xe nhập không nhằm mục đích thương mại. Đây là số lượng quá nhỏ để có thể tác động đến thị trường ô tô. Trong khi đó, ô tô nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại phải chịu sự kiểm tra an toàn và chất lượng nghiêm ngặt hơn, theo từng chiếc.
Thuế suất thuế đối với xe ô tô nhập theo hình thức không thương mại và theo hình thức kinh doanh là như nhau. Số thuế thu được gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng từ xe biếu tặng đã làm tăng đáng kể số thu ngân sách Nhà nước. Trong năm 2021, số thuế thu từ xe quà tặng cũng lên tới cả ngàn tỷ đồng. Mặc dù vậy, cơ quan Hải quan vẫn yêu cầu kiểm soát chặt lo ngại số lượng xe nhập về sẽ tăng.
Nguồn: vietnamnet