Cựu Chủ tịch UBND TP Trà Vinh Diệp Văn Thạnh lĩnh án 10 năm tù giam với cáo buộc gây thiệt hại 69 tỷ đồng.
Ngày 24/2, bị cáo Diệp Văn Thạnh, cựu Chủ tịch UBND TP Trà Vinh và ông Trần Trường Sơn, cựu Phó Chủ tịch, bị TAND tỉnh Trà Vinh tuyên phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị cáo Diệp Văn Thạnh bị tuyên phạt 10 năm tù; bị cáo Trường Sơn lĩnh 6 năm tù.
Các bị cáo tại tòa |
Trong vụ án này còn có bị cáo khác là nguyên là Trưởng, Phó và chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Trà Vinh gồm: Nguyễn Văn Chiến (lĩnh 4 năm tù), Lê Hữu Lễ (5 năm tù), Lý Kiến Trung (6 năm tù), Trần Thanh Sơn (3 năm tù), Nguyễn Trọng Nghĩa (5 năm tù).
Ngoài ra các bị cáo là “cò đất” cũng bị tòa tuyên phạt tù…
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát số tiền lớn cho nhà nước, làm giảm sút uy tín, niềm tin của nhân dân đối với UBND TP.
Tại tòa, bị cáo Diệp Văn Thạnh không thừa nhận hành vi phạm tội. Dù vậy theo HĐXX, căn cứ chứng cứ trong hồ sơ và lời khai của các bị cáo là cấp dưới của ông Thạnh đã chứng minh được hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” của cựu Chủ tịch TP Trà Vinh như cáo trạng đã truy tố, là “đúng người đúng tội, không oan sai”.
Cựu chủ tịch UBND TP Trà Vinh Diệp Văn Thạnh tại thời điểm bị bắt. |
Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến tháng 8/2018, các ông Thạnh, Sơn với vai trò là lãnh đạo UBND TP Trà Vinh đã chỉ đạo cấp dưới và bộ phận chuyên môn là Phòng Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi cục thuế thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở bằng hình thức chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất trái với Quyết định 118 của Chính phủ, Thông tư 30 của Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Theo Quyết định 118 của Chính phủ, Thông tư 30 của Bộ Tài nguyên & Môi trường, “việc xem xét hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở phải dựa trên kiến nghị của UBND phường, xã, thị trấn nơi người đó cư trú. Những kiến nghị đó phải được UBND cấp huyện, thành phố xác minh lại trước khi trình lên cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Ngoài ra, hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất phải có biên bản xác minh thực địa và biên bản giao đất thực tế”.
Ông Thạnh bị cáo buộc biết rõ các quy định trên nhưng vẫn ký ban hành hai công văn chỉ đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi cục thuế thành phố bỏ qua nội dung kiến nghị của chính quyền cấp phường, xã, thị trấn và xác minh lại của cấp huyện.
Lợi dụng chỉ đạo này, nhiều “cò đất” “chủ đất” tìm đến các gia đình chính sách làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất khống. Để cho gia đình chính sách đứng tên, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng thành đất ở để được Nhà nước miễn, giảm tiền sử dụng đất từ 65% đến 100%.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, “cò đất”, “chủ đất” yêu cầu các gia đình chính sách làm hợp đồng chuyển nhượng lại cho chủ cũ hoặc chuyển sang người khác đứng tên, để không phải đóng tiền chuyển mục đích sử dụng và miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng đối tượng gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.
Cáo trạng cáo buộc, tháng 12/2009 đến tháng 7/2018, các ông Thạnh, Sơn đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất tổng cộng 704 hồ sơ.
Trong đó, cựu Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP Trà Vinh đã ký 313 hồ sơ miễn giảm sai, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 69 tỷ đồng.
Nguồn: vietnamnet