Trong năm 2021, trên toàn quốc phát hiện 1.987 trẻ em bị xâm hại, nhưng ở nhiều nơi chính quyền địa phương vẫn chưa đầu tư nhiều cho công tác trẻ em.
Sáng 22-2 diễn ra phiên giải trình “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục chủ trì phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Xã hội tổ chức.
Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương lơ là
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong năm 2021, trên toàn quốc phát hiện xảy ra 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, 1.987 em bị xâm hại. Con số này giảm 31 vụ so với năm 2020, song tại 19 tỉnh số vụ lại tăng trên 15% và 15 tỉnh, thành phố số vụ tăng dưới 15%.
Bộ Lao động – thương binh và xã hội cũng thống kê, trong năm 2021 Tổng đài 111 kết nối, can thiệp 1.257 ca (giảm 3% ca so với năm 2020). TP Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố có số vụ việc trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp cao nhất toàn quốc (Hà Nội 247 ca, chiếm 19,65%; TP.HCM 198 ca, chiếm 15,75%).
Trong đó có 625 ca bạo lực trẻ em, chiếm 49,72%; 205 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 16,31% (giảm 102 ca so với năm 2020).
Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đặt vấn đề cho Bộ Lao động – thương binh và xã hội và các bộ, ngành liên quan về công tác trẻ em, đặc biệt là các vụ việc nổi cộm về xâm hại, bạo hành trẻ em diễn ra gần đây.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, chỉ ra các vụ bạo lực trẻ em không những không giảm về số lượng mà còn tăng nặng về tính chất mức độ, vi phạm, điển hình như mẹ kế đánh chết con chồng 8 tuổi ở TP.HCM, vụ găm 9 đinh vào đầu bé 3 tuổi ở Hà Nội, cha ném con nhỏ 5 tuổi xuống sông ở Quảng Nam.
Giải trình trước đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo báo cáo, năm 2021 tổng số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em giảm, tuy nhiên tính chất, mức độ diễn biến phức tạp hơn.
Bộ trưởng đánh giá hiện nay hệ thống pháp luật ở Việt Nam liên quan đến vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em tương đối đầy đủ, đồng bộ, hoàn thiện, đã và đang đi vào cuộc sống. Sau giám sát của Quốc hội, sự phối hợp của các cơ quan liên quan đến vấn đề trẻ em tốt hơn, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, điều phối của Chính phủ với các cơ quan có sự phối hợp nhịp nhàng hơn; xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em nhanh hơn, kiên quyết hơn. Gần đây, khi phát hiện ra sự việc đều tiến hành điều tra, khởi tố, xử lý ngay theo tinh thần “không có có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Tuy nhiên, hiện nay không ít địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến công tác trẻ em.
“Một địa phương tổ chức Trung thu, diễu hành, chi mấy tỉ đồng, nhưng cả năm không dành cho công tác quản lý nhà nước về trẻ em 1 đồng nào” – bộ trưởng chỉ ra.
Dẫn các vụ việc đau lòng xảy ra gần đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết nguyên nhân đều bắt đầu từ xung đột gia đình, hậu ly hôn. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến hậu quả nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà nhiều trẻ em gặp sang chấn tâm lý.
Hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường cho trẻ
Giải trình vấn đề công tác tư vấn tâm lý học đường cho trẻ em, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trước kia việc trực tuyến là giải pháp tình thế, nay là giải pháp thay thế cho việc học trực tiếp. Việc học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và đào tạo đã xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành tâm lý học đường từ học sinh lớp 1 đến lớp 12 để lồng ghép vào các bài học. Ngoài ra, ở trường còn thành lập các tổ tư vấn tâm lý giúp tư vấn cho học sinh, lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng, giáo viên kiêm nhiệm nhiệm vụ tư vấn.
Cùng giải trình về vấn đề an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, ông Lê Quang Tự Do, phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông), cho biết, hiện nay bộ tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ lớn để bảo vệ trẻ em: ngăn chặn nội dung độc hại liên quan đến trẻ em; ngăn chặn rò rỉ phát tán, đăng tải không đúng quy định liên quan thông tin đời tư, cá nhân của trẻ em; ngăn chặn hoạt động xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến trẻ em; rà quét, phát hiện những trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em trên không gian mạng cũng như trong cuộc sống để phối hợp với các đơn vị xử lý.
Họp báo công khai kết quả điều tra 3 vụ bạo hành trẻ em
Thông tin thêm về 3 vụ án: vụ bạo hành cháu bé 8 tuổi ở TP.HCM, vụ bé gái 3 tuổi bị găm đinh vào đầu ở Hà Nội, vụ ném con gái 5 tuổi xuống sông, đại tá Tô Cao Lanh, phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, hiện nay lãnh đạo Bộ Công an đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương điều tra, kết luận và họp báo công khai kết quả điều tra. Đồng thời có khuyến cáo, khuyến nghị đối với cha mẹ, người thân, cộng đồng để có biện pháp chăm sóc, bảo vệ, giúp đỡ trẻ em.
Nguồn: tuoitre.vn