Năm 2021 Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về mua ô tô, bỏ xa các địa phương xếp sau như TP.HCM, Hải Phòng. Bất ngờ nhất là dân tỉnh nghèo Nghệ An… đứng top 4 về mua ô tô cá nhân.
Tỷ lệ sở hữu ô tô rất thấp
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2021, số lượng ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống, được người tiêu dùng mua và đi đăng kiểm lần đầu tiên đạt 318.704 xe các loại. Số liệu này bao gồm cả xe sản xuất lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu chính hãng, nhập khẩu không chính hãng, quà tặng quà biếu và kể cả xe cũ nhập khẩu…
Trong đó, thương hiệu đứng đầu là Toyota với 64.172 xe. Xếp vị trí thứ hai là thương hiệu Hyundai với 56.028 xe; thứ ba thuộc về Kia với 35.181 xe; thứ tư là VinFast với 34.746 xe và thứ 5 là Mitsubishi với 26.346 xe.
Hà Nội là địa phương có tỷ lệ người tiêu dùng mua xe cao nhất, với 50.928 xe; thứ hai là TP.HCM với 32.403 xe; thứ ba là Hải Phòng với 16.996 xe; thứ tư là Nghệ An với 14.628 xe và thứ năm là Bình Dương với 11.096 xe.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn ô tô hóa |
Với doanh số trên, Việt Nam là thị trường ô tô có quy mô lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN, xếp sau Indonesia 887.202 xe, Thái Lan 759.119 xe và Malaysia 508.911 xe.
Dịch Covid đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ô tô, tuy nhiên, tiêu thụ ô tô con tại Việt Nam năm 2021 vẫn cao hơn mức 296.634 xe của năm 2020 và thấp hơn một chút so với 322.322 xe của năm 2019.
Là quốc gia đông dân thứ ba khu vực ASEAN, sau Indonesia và Philippines, với thu nhập ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ sở hữu xe cá nhân tại Việt Nam vẫn rất thấp. Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019 cho thấy, chỉ có 5,7% số hộ gia đình trên cả nước sở hữu ô tô con. Khu vực thành thị có tỷ lệ cao gấp gần 3 lần so với nông thôn, lần lượt là 9,5% và 3,6%.
Đồng bằng sông Hồng là vùng có nhiều hộ gia đình sở hữu ô tô nhất với 7,5%. Các vùng kinh tế còn lại có tỷ lệ chênh lệch không nhiều. Riêng ĐBSCL chỉ 2,5% hộ có xe 4 bánh. Trong số 10 tỷnh, thành có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cao nhất cả nước, TP.HCM không có tên. “Đầu tàu” kinh tế cả nước xếp thứ 13 trong bảng xếp hạng này.
Mặc dù vậy, các đánh giá đều cho rằng thị trường ô tô Việt Nam rất tiềm năng và hấp dẫn. Báo cáo của Công ty Fitch Solutions năm 2020 chỉ ra rằng, xếp hạng mức độ hấp dẫn tương đối của một quốc gia, đối với các cơ sở sản xuất ô tô thì Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là những thị trường bán lẻ ô tô hấp dẫn nhất trong các quốc gia châu Á mới nổi.
Tiềm năng thị trường ô tô phụ thuộc vào ba yếu tố, gồm: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1.000 dân. Tại Việt Nam, GDP bình quân đầu người đã đạt ngưỡng 3.000 USD/năm, trong khi tỷ lệ sở hữu ô tô đạt 32 xe/1.000 dân, vì vậy tiềm năng là rất lớn.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn ô tô hóa, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn của xe cá nhân. Năm 2025, dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt từ 800.000-900.000 xe/năm, vượt qua Malaysia, thậm chí cả Thái Lan để vươn lên giữ vị trí thứ hai trong khu vực. Với mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao từ nay đến 2030 và nước giàu vào năm 2045, ô tô sẽ là phương tiện di chuyển phổ biến.
Chưa có ngành sản xuất thực sự
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Bên cạnh đó, chúng ta chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hoá giữa các DN sản xuất, lắp ráp ô tô và phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Về giá xe, theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia. Con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nguyên nhân khiến giá xe tăng cao là do thuế và phí đối với ô tô sản xuất trong nước cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp (các DN đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế).
Hiện giá ô tô tại Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước trong khu vực. |
Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống, mục tiêu đề ra đạt 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 10%, trong đó Trường Hải đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa… Còn tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%.
Trong khi đó, nhập khẩu ô tô liên tục tăng. Năm 2021, ô tô nhập khẩu vẫn ồ ạt vào Việt Nam bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid, đạt 160.035 xe, tăng so với năm 105.000 xe của năm 2020 và vượt qua kỷ lục 139.400 xe của năm 2019.
Riêng xe nhập từ Thái Lan và Indonesia chiếm 78%. Chính phủ đã quyết định gỡ bỏ rào cản hành chính với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Thủ tục thông quan rất thông thoáng, trong khi xe nhập từ ASEAN về lại được hưởng thuế ưu đãi 0%, có giá rẻ đang tràn vào ngày càng nhiều.
Chưa kể, theo cam kết tại CPTPP và EVFTA, Việt Nam sẽ giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 6-8 năm. Như vậy, tới năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản ô tô lớn trên thế giới bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU. Thị trường tiềm năng, nhưng các DN ô tô trong nước đang đối mặt với khó khăn, đứng trước nguy cơ mất dần thị phần.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, nhờ sự nỗ lực của các DN, cộng với thị trường hấp dẫn và một số thay đổi về chính sách (hỗ trợ lệ phí trước bạ) đã cho thấy sự khởi sắc của ngành công nghiệp ô tô. Nếu muốn hái “quả ngọt” từ ngành sản xuất này thì các chính sách cần thiết thực hơn, cần bỏ qua lợi ích của thuế tiêu thụ đặc biệt như nhiều nước đã làm, để có thị trường xe hơi đúng nghĩa. Hiện tại, chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn đi sau các nước, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu của DN.
Nguồn: vietnamnet