Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 2-2022, giúp người nuôi cá tra có lợi nhuận hơn 5.000 đồng/kg, do thiếu nguyên liệu sau đại dịch và thị trường xuất khẩu khả quan.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã tăng liên tục, từ mức 20.500 – 22.000 đồng/kg vào trước Tết Nhâm Dần lên 29.000 – 30.000 đồng/kg hiện nay nhưng cung không đủ cầu.
Và theo dự báo của Vasep, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm nay có thể sẽ đạt 1,9 – 2 tỉ USD, tăng mạnh so với con số 1,6 tỉ USD của năm 2021. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại người dân lại đổ xô vào nuôi cá tra, lại đối diện với nguy cơ mất giá trong khi chi phí nuôi cá ngày càng tăng.
Giá cá 29.000 – 30.000 đồng/kg, người nuôi lãi to
Những ngày gần đây, theo ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ thị trấn An Phú, huyện An Phú, An Giang), giá cá tra được thương lái mua từ 29.000 – 30.000 đồng/kg đối với loại 1kg/con, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với trước Tết. Với hơn 200 tấn cá tra sắp thu hoạch, ông Tâm sẽ “thắng lớn” với mức giá cá tra hiện nay.
Nhiều người nuôi cho rằng giá cá tra tăng mạnh do nhiều hộ treo ao vì dịch Covid-19, nguồn cung cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu thiếu hụt. Theo ông Nguyễn Văn Tỉ (xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang), trên 650 tấn cá tra chuẩn bị xuất bán của gia đình ông được nhiều công ty hỏi mua, thu hoạch cá vào cuối tháng này với giá trên 30.000 đồng/kg loại 1kg/con, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Lập Nghiệp – phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt – cho biết với giá cá đang “leo thang”, người nuôi cá có lợi nhuận cao hơn so với trước Tết và cao hơn cùng kỳ năm 2021 rất nhiều.
Nguyên liệu khan hiếm, đặc biệt là cá có trọng lượng bình quân 1kg/con, một số doanh nghiệp lớn tranh mua… đã đẩy giá cá tăng cao. Với sản lượng xuất khẩu cá từ 8.000 – 10.000 tấn/tháng, Tập đoàn Nam Việt cũng đang thiếu nguyên liệu do chưa có cá đủ chuẩn xuất khẩu.
“Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người không thả cá nuôi hoặc giảm sản lượng, trong khi xuất khẩu đang thuận lợi… dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào hiện nay. Cá tra nguyên liệu của chúng tôi không đủ đáp ứng nên phải thu mua thêm ở ngoài rất nhiều. So với cùng kỳ 2021, khi giá cá tra chỉ có 19.000 – 20.000 đồng/kg, giá cá tra nguyên liệu đã tăng mạnh, người nuôi lãi lớn”, ông Nghiệp nói.
Chủ một doanh nghiệp ở Sóc Trăng cho biết có nhà máy mua cá tra giá đến 30.000 đồng/kg vì cần nguyên liệu sản xuất. Không chỉ cá nguyên liệu, cá tra giống cũng tăng từ 18.000 – 19.000 lên 40.000 – 45.000 đồng/kg (loại 30 con/kg).
Theo ông Trương Đình Hòe – tổng thư ký Vasep, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, diện tích nuôi cá bị thu hẹp, thả giống ít. “Sản lượng cá tra nguyên liệu phục vụ nhu cầu thu mua, chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp bị thiếu hụt, giá cá bị đẩy lên là điều khó tránh khỏi”, ông Hòe khẳng định.
Nhưng lo giá thức ăn bị đẩy lên cao
Dù đang lãi lớn nhờ con cá tra, nhiều người nuôi cá thừa nhận “vui chưa trọn vẹn” dù giá cá tra tăng cao. Bởi giá thức ăn cho cá cũng đã tăng mạnh, chi phí mà người nuôi đầu tư lên tới gần 25.000 đồng/kg cá tra.
“Với giá này, người nuôi cá thu về lợi nhuận gần 5.000 đồng/kg. Nếu vài ngày tới, giá cá tiếp tục tăng, nông dân phấn khởi hơn vì hiện nay giá thức ăn đã rục rịch tăng thêm. Nếu giá cá giảm lại, người nuôi cá chắc chắn sẽ gặp khó”, ông Tâm nói.
Theo người nuôi cá, giá thức ăn cho cá đã được một số đại lý thông báo sẽ tăng 500 đồng/kg và trong tháng 3 tiếp tục tăng nữa. “Nếu ai bán cá tra đợt này sẽ lời hơn 5.000 đồng/kg. Nhưng nếu đầu tư nuôi cá tra đợt tới, thu hoạch vào tháng 9, chi phí đầu tư đội lên gần 27.000 đồng/kg. Do đó, đừng vội thả giống đợt tới vì không biết giá cá sẽ như thế nào”, ông Tỉ khuyến cáo.
Ông Nguyễn Văn Học, một người nuôi cá ở An Giang, cho biết với giá thức ăn chăn nuôi và giá con giống tăng cao, chi phí giá thành bị đội lên, người nuôi cá sẽ đối diện với nhiều rủi ro nếu giá cá tra quay đầu giảm. Trong thực tế, khi thả nuôi 500.000 con cá giống, nhưng khoảng 30-50% số cá giống này sẽ bị chết trong quá trình nuôi, giá thành bị đẩy lên, chưa kể lãi suất cho vay với người nuôi cá còn cao, cũng là những yếu tố rủi ro.
Theo ông Trần Anh Dũng – chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, giá bán cá tra thương phẩm loại 0,8 – 1,2kg/con đang dao động từ 28.000 – 32.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cá tra cho biết nguyên liệu sản xuất thức ăn đang khan hiếm và giá vẫn đang tiếp tục tăng.
“Trong thời gian tới có khả năng sẽ thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu do người nuôi treo ao khoảng 15% diện tích, do thua lỗ 3 năm liên tiếp, giá thức ăn tăng, người nuôi thiếu vốn đầu tư…”, ông Dũng nhận định.
Nên có “sàn giao dịch cá tra”
Nhiều người nuôi cá cho biết con giống cá tra tại ĐBSCL đang có dấu hiệu bị thoái hóa, hao hụt và chậm lớn. Do đó, các cơ quan chức năng chuyên ngành cần tham gia nghiên cứu, sản xuất và cung cấp con giống chất lượng nhằm giúp người nuôi giảm chi phí giá thành. Ngoài ra, nên có sàn giao dịch cá tra tại ĐBSCL với sự tham gia của các “đại gia cá tra” vùng ĐBSCL như: Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Việt Úc…
Theo ông Nguyễn Văn Học – một cán bộ hưu trí và là người nuôi cá với nhiều năm kinh nghiệm ở An Giang, sàn giao dịch này phải có sự quản lý của Nhà nước, giữ vai trò công bố thông tin, giá cả kịp thời với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới. “Chỉ cần sàn giao dịch này mỗi sáng sớm công bố giá cá tra bao nhiêu 1kg, doanh nghiệp nào mua, sản lượng mua bao nhiêu…, người nuôi cá sẽ an tâm sản xuất cá tra”, ông Học nói.
* TS Võ Hùng Dũng (phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam):
Người nuôi cá cần liên kết với doanh nghiệp
Trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, người nuôi cá tra hầu như kiệt quệ, chỉ còn một số hộ nuôi theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, nên nguồn cung giảm mạnh. Sản lượng giảm, trong khi nhu cầu tăng, giá được đẩy lên cao là điều khó tránh khỏi. Nhưng tôi cho rằng đây là dấu hiệu của một sự không bền vững bởi nhu cầu tăng chủ yếu là thị trường Mỹ, kế đến là Trung Quốc.
Diện tích nuôi cá tra thường có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm, nhưng qua thống kê ban đầu cho thấy diện tích nuôi mới năm nay có tăng hơn so với cùng kỳ những năm trước. Điều đó cho thấy việc giá cá tăng cao có kích thích nuôi nhiều hơn. Nếu lúc đó thị trường Trung Quốc (thị trường lớn nhất, chiếm 27,8% giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam) và Mỹ (thị trường lớn thứ 2, chiếm 22,9%) không tăng thêm nữa, giá cá sẽ giảm xuống.
Theo phân tích của cá nhân tôi, thị trường Trung Quốc còn tiềm năng nhưng bị khống chế 3 năm qua do ảnh hưởng dịch COVID-19, vì vậy trong năm 2023 có thể thị trường này sẽ khôi phục, giá cá có thể tăng lên do nhu cầu mua trở lại.
Nhiều ý kiến lo ngại giá tăng cao người dân sẽ ồ ạt nuôi, do Luật quy hoạch mới nhất không còn quy hoạch vùng nuôi nữa mà đặt ra các tiêu chuẩn môi trường hướng dẫn người dân nuôi. Do đó, cái chính không phải là quy hoạch mà là hành vi của người dân nên các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin thường xuyên, đầy đủ cho các đài địa phương, báo chính thống để người dân nắm bắt.
Ngoài ra, theo tôi, người nuôi có liên kết với doanh nghiệp sẽ bền vững hơn, bởi doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm mua. Doanh nghiệp có thông tin cũng hướng dẫn đầy đủ cho người dân hơn là người dân tự nuôi lẻ.
Nguồn: tuoitre.vn